Cứu cánh của người sống chung với HIV
Phong “sida” là cách gọi thân thương của những người sống chung với HIV mỗi khi nhắc đến anh Nguyễn Anh Phong (41 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM). Biệt danh ấy hình thành sau những năm tháng anh chia sẻ, hỗ trợ điều trị cho những người có H.
Hiện nay, mỗi ngày, mỗi giờ, anh đều nhận được những cuộc điện thoại từ những người xa lạ. Họ tìm đến anh để được chia sẻ.
Mỗi ngày, Nguyễn Anh Phong đều nhận những cuộc gọi từ những người sống chung với HIV để chia sẻ, hỗ trợ. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
Anh nói: “Đa số những người có H khi phát hiện mình nhiễm đều rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Lúc này, họ cần người chỉ để lắng nghe, chia sẻ nỗi đau của mình. Và, họ tìm đến tôi bởi tôi từng trải qua những gì họ đang và sắp đối mặt”.
Theo anh, HIV nằm trong nhóm tệ nạn là tiêm chích ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, con đường lây nhiễm HIV đang chuyển từ đường tiêm chích sang đường quan hệ tình dục. Do đó, không riêng gì những người trong nhóm tệ nạn mới có nguy cơ mà mọi người đều có thể bị lây nhiễm.
Anh Nguyễn Anh Phong trao đổi với PV về khát vọng xóa bỏ thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người sống chung với HIV. (Ảnh: Nguyễn Sơn). |
“Minh chứng là những người tìm đến tôi có cả bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ… Họ đến với tôi vì không thể đến các cơ sở y tế Nhà nước. Bởi, họ lo sợ việc lộ thông tin cá nhân. Đó là lý do vì sao tôi theo đuổi các hoạt động tuyên truyền, giúp đỡ người sống chung với HIV”, anh Phong chia sẻ.
Để các hoạt động hỗ trợ của mình hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, anh mở cơ sở Nhà Mình làm nơi hỗ trợ người có H. Tại đây, bệnh nhân đều được anh tư vấn, kết nối điều trị, hỗ trợ về tinh thần, vật chất lẫn sinh kế….
Ngoài ra, anh còn kết nối cá nhân, tổ chức, đơn vị để giúp đỡ người có H. trong các khó khăn như: Thủ tục giấy tờ, bảo hiểm y tế, việc làm… Những hoạt động bền bỉ, tích cực và đầy hiệu quả của anh góp phần không nhỏ giúp người sống chung với HIV tự tin điều trị, tự tin sống.
Khát vọng xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H
Tuy nhiên, để vực dậy tinh thần, khiến người bệnh có động lực điều trị, niềm vui sống là điều không đơn giản. Bởi, khi đến với anh, người sống chung với HIV đều đang rơi vào tâm lý đau buồn, chán nản, tuyệt vọng. Suy nghĩ đầu tiên của họ là rời bỏ cuộc đời.
Những lúc như vậy, việc tư vấn, tác động để thay đổi suy nghĩ, lựa chọn của họ là một thách thức lớn. Lúc này, anh phải khai thác, tạo động lực sống cho họ rồi mới tính đến việc hỗ trợ điều trị.
Khó khăn là vậy nhưng đó chỉ là những bước đầu trong hành trình dài đưa người có H trở lại cuộc sống bình thường. Trở ngại lớn nhất trong công tác này là sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với những người sống chung với HIV.
Anh phân tích: “Hiện nay, thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H vẫn tồn tại. Nhiều người vẫn còn e ngại, sợ, chưa hiểu cách tự bảo vệ và biết luật bảo mật thông tin người sống chung với HIV. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tinh thần của họ”.
Nguyễn Anh Phong thăm một bệnh nhân đang chống chọi với HIV. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Anh kể, nhiều trường hợp người có H đã được điều trị ổn định, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, không còn khả năng lây nhiễm nhưng vẫn tìm đến cái chết vì lộ thông tin và bị kỳ thị. Cụ thể, đến bây giờ, anh vẫn day dứt sau cái chết của chàng trai 23 tuổi sau khi bị lộ thông tin đang chống chọi với virus HIV.
Bạn này trước đó đã điều trị HIV ở địa phương. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, thông tin bạn đang điều trị HIV bị lộ ra ngoài khiến người dân nơi bạn ấy sinh sống bàn tán.
“Biết bạn ấy có H, cửa hàng bán đồ ăn của gia đình bạn này mất khách. Ba của bạn cũng buồn bã rồi qua đời, công ty nơi bạn ấy làm việc cũng đuổi khéo… Quá áp lực và tuyệt vọng, bạn ấy đã tìm đến cái chết. Đau đớn hơn, có trường hợp 2 mẹ con cùng rủ nhau quyên sinh vì bị phân biệt đối xử”, anh kể.
Do đó, theo anh, vấn đề bảo mật thông tin của người có H, xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có H tại các cơ sở y tế phải được đặt lên hàng đầu. Bởi, người bệnh ngoài gia đình, họ chỉ còn cách tìm đến cơ sở y tế. Nếu cán bộ tại cơ sở y tế kỳ thị, phân biệt đối xử, người bệnh xem như cùng đường.
Anh kể, trong nỗ lực hiện thực hóa khát vọng xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối với người sống chung với HIV, năm 2007, anh và Sở Y tế TP.HCM… thực hiện chương trình Giảm kỳ thị phân biệt đối xử trong cơ sở y tế.
Trong chương trình này, anh đã cùng những người có H và các bác sĩ, nhân viên y tế tại một bệnh viện thân tình, chia sẻ, trao đổi để hiểu nhau hơn, gỡ bỏ những khúc mắc, xóa nhòa sự kỳ thị.
Đóng góp tích cực vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS BS Tiêu Thị Thu Vân, nguyên Giám đốc trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, Chủ tịch hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết: “Nguyễn Anh Phong và cơ sở Nhà Mình đã có những đóng góp hết sức đáng kể, tích cực vào hoạt động phòng chống HIV/AIDS của hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM. Hơn thế, suy nghĩ của Phong trong việc gần như mở rộng và xã hội hoá các hoạt động hỗ trợ cho người có H là rất ý nghĩa và hiệu quả. Những việc làm của Phong và phòng khám Nhà Mình cực kỳ ấn tượng khi luôn giúp cho các bệnh nhân đang điều trị giải quyết những vấn đề, tình huống khó khăn của mình một cách tốt nhất”. |
Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo
Bốn năm qua, chị Lý cùng những người phụ nữ ở thôn Yến Vĩ đã cung cấp miễn phí thực phẩm để nấu cơm tặng các bệnh nhân nghèo.
Nguyễn Sơn