Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) vừa cho biết mới điều trị thành công ca dị vật phế quản phức tạp, bệnh nhân vào viện sau 1 tháng bị sặc mảnh mỏ gà có kích thước lớn gây nhiều tổn thương.
Bệnh nhân là người đàn ông 55 tuổi ở Hà Nội, vào Trung tâm Nội hô hấp của bệnh viện do nhiễm trùng hô hấp kéo dài. Trước khi vào bệnh viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị sặc khi đang ăn thịt gà. Sau sặc, bệnh nhân đau ngực phải âm ỉ, dai dẳng, đau ngực kèm theo sốt và khó thở tăng dần.
Người đàn ông này tự dùng thuốc giảm đau, hạ sốt tại nhà nhưng triệu chứng đỡ ít, đi khám phát hiện tổn thương đông đặc thùy dưới phải, tràn dịch khoang màng phổi phải.
ThS.BS Nguyễn Chí Tuấn, Trung tâm Nội hô hấp, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán có dị vật phế quản thùy dưới phổi phải biến chứng viêm phổi dưới chít hẹp, kèm theo tràn dịch màng phổi phải.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh tích cực. Khi tình trạng nhiễm trùng ổn định, bệnh nhân được nội soi phế quản ống mềm, phát hiện dị vật là mảnh mỏ gà có kích thước lớn, hình dạng 3 cạnh thành sắc trong lòng phế quản thùy dưới phổi phải, một cạnh găm vào thành phế quản.
Dị vật cũng khiến niêm mạc phế quản xung quanh phù nề, xung huyết mạnh, dễ chảy máu và tổ chức hạt bao phủ, gây chít hẹp gần hoàn toàn phế quản thùy dưới phổi phải.
Kíp nội soi đã tiến hành cắt một phần tổ chức hạt, lấy dị vật ra khỏi phế quản. Sau thủ thuật, bệnh nhân tiếp tục dùng kháng sinh, chống viêm tại chỗ. Quá trình điều trị của người đàn ông này mất 1 tuần.
Theo bác sĩ Tuấn, dị vật phế quản là trường hợp các vật rơi vào và mắc lại ở trong lòng phế quản của bệnh nhân. Đây là tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp sau khi sặc thức ăn, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, người say rượu, người bệnh đột quỵ não...
Tùy thuộc vị trí, loại dị vật, thời gian được tiếp cận chẩn đoán và điều trị, dị vật đường thở có thể gây ra nhiều biến chứng, nguy hiểm nhất là tắc nghẽn đường thở lớn gây tử vong (đặc biệt ở trẻ em), co thắt phế quản, viêm phổi dưới vị trí chít hẹp, xẹp phổi, áp xe phổi,…
Dị vật phế quản thường ở phế quản bên phải nhiều hơn, liên quan đến đường kính và độ chếch của phế quản bên phải so với bên trái. Khi dị vật mới vào đường thở, có thể gây suy hô hấp do tắc nghẽn phế quản lớn co thắt phế quản.
Trường hợp di vật nằm trong phế quản trong thời gian dài, đặc biệt là dị vật kích thước lớn, hình dạng phức tạp, có thể gây biến chứng xẹp phổi hoặc giãn phế quản dưới chỗ chít hẹp.
Ngoài ra, tổ chức hạt tại vị trí dị vật phát triển và che phủ dị vật, dẫn tới hẹp đường thở, dẫn tới các biến chứng nặng như nhiễm khuẩn nặng (viêm phế quản - phổi, áp xe phổi), xẹp phổi làm bệnh nhân đau ngực, khó thở, ho khạc đờm hoặc ho máu kéo dài,…
Dự phòng dị vật phế quản
- Với trẻ em: không để các vật dụng, đồ chơi, đặc biệt loại có kích thước nhỏ gần trẻ khi không có người lớn bên cạnh. Cẩn thận trong việc ăn uống của trẻ, không được bịt mũi để ép trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn trong khi đang ngủ, không cho trẻ ăn các loại thức ăn có hạt dễ hóc như na, lạc, quất, hạt bí… Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
- Người lớn: tránh ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa…