Biệt tài săn chuột đồng
Những ngày cuối năm, trời se lạnh, tờ mờ sáng, người đàn ông gầy guộc, nước da ngăm đen đã có mặt tại cánh đồng ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Trên tay anh là chiếc bao tải đựng đầy chuột đồng vừa bẫy được.
Gần 2 tháng nay, người dân nơi đây đã quá quen với hình ảnh này và họ thân thương gọi anh Nguyễn Văn Hùng (39 tuổi, trú xã Quế An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) là “dũng sĩ diệt chuột”.
Anh Hùng có tài là chỉ nhìn qua đã biết những hang ổ ven bờ ruộng, chỗ nào có chuột ở. Từ đó, anh tính toán chỗ đặt bẫy để đón lõng mà không cần mồi nhử. Kỷ lục có ngày anh bắt được gần 800 con chuột đồng.
Nói về cơ duyên đến với công việc độc lạ này, anh Hùng cho biết, năm 18 tuổi, anh nghỉ học và vào miền Nam mưu sinh bằng nhiều nghề. Trong thời gian ở Bình Thuận, anh từng đi bẫy chuột đồng để bán.
“Nhiều nhà hàng, quán nhậu ở các thành phố lớn mua chuột đồng về chế biến thành món ăn đặc sản, độc đáo, thu hút thực khách”, anh Hùng kể.
Sau 7 năm tha hương cầu thực, cuối năm 2010, anh Hùng về quê lấy vợ và chuyển sang làm thợ hồ, vì ở Quảng Nam ít người ăn thịt chuột.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số vùng ở Quảng Nam không có lũ lớn, chuột đồng phát triển, trở thành vấn nạn của nhà nông. Vừa muốn diệt chuột giúp bà con vừa để có thêm thu nhập, anh làm lại nghề cũ.
Anh nối lại “bạn hàng” mua chuột đồng sơ chế 40.000 đồng/kg ở miền Nam và đặt mua hơn 600 bẫy sắt dạng lồng giá 12.000 đồng/chiếc.
Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng ngày, anh lặn lội đến các đồng ruộng chưa vào vụ sản xuất để đặt bẫy.
Theo anh, chuột vốn đa nghi, ban ngày chui vào hang trú ẩn, chạng vạng tối mới ra ngoài. Trước khi rời hang, chúng sẽ quan sát xem có chim, rắn không. Do đó phải đặt bẫy làm sao để chúng không nghi ngờ.
“Bẫy hiệu quả nhất là đặt trên đường chúng di chuyển, nơi nào trống chúng chạy rất nhanh, đến bụi rậm thì đi chậm hoặc ẩn nấp một lúc để quan sát. Do đó, tôi không đặt bẫy ngay cửa hang mà chọn nơi rậm rạp”.
Mỗi đêm bắt 500 con chuột
Sau khi “giăng thiên la địa võng”, anh Hùng về nhà nghỉ ngơi, đến 20h thì đi rà soát một lượt xem có con chuột nào sập bẫy. Xong xuôi, anh về ngủ, sáng sớm mai tiếp tục thu hoạch “chiến lợi phẩm”.
Mỗi đêm, trung bình anh Hùng bắt được 400-500 con chuột đồng (khoảng hơn 40kg) mang về làm thịt, cấp đông, đưa vào miền Nam tiêu thụ.
Thấy anh Hùng bắt chuột hiệu quả, nhiều địa phương ở huyện Duy Xuyên đã mời anh đến đặt bẫy trên các cánh đồng và mua bẫy phát cho người dân để bắt chuột.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lương Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) cho biết, thị trấn có khoảng 450ha đất trồng lúa. Năm nay, lượng mưa thấp hơn mọi năm, đồng ruộng ít bị ngập úng nên chuột sinh sôi mạnh mẽ, phá hoại lúa, hoa màu.
Ngoài việc phát động toàn dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp, địa phương đã mời anh Hùng đến đặt bẫy. Mỗi ngày anh đến đặt bẫy, người dân sẽ nấu cơm, lo chỗ ăn ngủ và chính quyền hỗ trợ 200.000 đồng.
"Sau hơn 1 tháng đặt bẫy, anh Hùng đã bắt gần 2 tấn chuột tại các cánh đồng của thị trấn. Anh còn hướng dẫn bà con kinh nghiệm đặt bẫy để bắt được nhiều chuột, hạn chế thiệt hại do chúng gây ra", ông Bình nói.
Ông cho biết, mới đây, địa phương cũng đã tặng giấy khen cho anh Hùng về thành tích bắt chuột, giúp người dân bảo vệ mùa màng.
Những ngày qua, thấy anh Hùng đến địa phương bẫy chuột, ông Lê Văn Thành (thị trấn Nam Phước) cũng nhiệt tình ra đồng xem và cổ vũ.
Theo ông Thành, gia đình làm 4 sào ruộng nhưng vụ hè thu vừa qua bị chuột cắn phá thiệt hại một nửa. Dù đã dùng nhiều biện pháp nhưng không hiệu quả.
“Vụ mùa năm nay, chuột còn nhiều hơn năm trước nữa. Cũng may có anh Hùng đến hỗ trợ bắt được nhiều chuột, tôi rất mừng và hy vọng mùa tới sẽ không bị chuột phá hoại nữa”, ông Thành hào hứng.