Vừa qua, Trung tâm Y tế Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân tên N. (39 tuổi, trú tại huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bị ong vò vẽ đốt.

Theo người nhà, anh N. đi bắt ong thì bị ong đốt khắp cơ thể gây đau nhiều, choáng váng, vã mồ hôi. Người thân nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Người đàn ông nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội vùng đầu. Vùng da đầu có khoảng 20 nốt đốt, vùng lưng cánh tay và hai bên chân có trên 30 vết tím kích thước 2mm, xung quanh sưng nề kèm theo tức ngực.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán suy thận cấp do ong đốt.

Bác sĩ chỉ định bệnh nhân cần truyền dịch, kiềm máu, hạ axit uric và các điều trị chuyên sâu khác, theo dõi tích cực về toàn trạng, nước tiểu và chức năng thận. Anh N. được hướng dẫn nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe anh N. ổn định và đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Mai Giang Nam, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, những người bị ong đốt với số lượng nhiều tiềm ẩn các nguy cơ như sốc phản vệ, tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp, nhiễm trùng, nhiễm độc và có thể tử vong.

Bác sĩ Nam khuyến cáo sơ cứu khi bị ong đốt:

Bước 1: Cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đặt nạn nhân nằm yên, tránh cử động nhiều.

Bước 2: Dùng dụng cụ chuyên dụng lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.

Bước 3: Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để giảm đau và giảm sưng.

Bước 4: Đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.