Ở tuổi 79, ông Đỗ Văn Quảng (ngụ ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), cựu Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã, vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Hồi đầu tháng 5, ông quyết định bàn giao công việc cho người kế nhiệm.

Để lại cái gì đó cho đời

Là người đầu tiên trong xã đăng ký hiến xác, ông Quảng kể, năm 2018, trong một lần chở miễn phí bệnh nhân nghèo lên bệnh viện Chợ Rẫy, tình cờ ông được nghe nói về thủ tục hiến xác cho y học.

Ông Đỗ Văn Quảng dùng kế sách "mưa dần thấm lâu" thuyết phục người thân... Ảnh: Trần Tuyên

“Lúc đấy trong đầu tôi nhận ra một điều ‘trước lúc ra đi phải để lại cái gì đó cho đời’. Cuối đời, cơ thể này vẫn có thể giúp ích cho nền y học nước nhà, giúp được nhiều người”, ông Quảng tâm sự

Nói rồi ông đi tìm nhân viên bệnh viện nhờ tư vấn hồ sơ, thủ tục. Tối hôm đó, lúc cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm, ông Quảng nói ý định của mình. Nghe như sét đánh ngang tai, vợ ông bật khóc, các con kịch liệt phản đối.

“Cũng có lúc tôi bối rối nhưng không hối hận với quyết định của mình. Suốt 2 tháng liền, tôi dùng kế sách ‘mưa dần thấm lâu’ thuyết phục người thân. Nào là kể những câu chuyện trẻ nhỏ hiến giác mạc, chồng chết não hiến tạng cứu sống các hoàn cảnh không may mắn.

Dần dần những câu chuyện tôi kể, cộng với thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã thuyết phục được vợ cùng các con”, ông nói.

Ông Quảng chia sẻ câu chuyện hiến xác cho y học với PV. Ảnh: Trần Tuyên

Niềm hạnh phúc được lan tỏa rạng rỡ trên gương mặt sạm đen của ông Quảng khi chia sẻ điều này. Ông vui có lẽ vì quyết định của mình đã dần được chính người thân ủng hộ, và không chỉ ủng hộ mà trở thành sự thấu hiểu, đồng hành.

Đầu năm 2019, ông Quảng nộp đơn tình nguyện hiến xác. Sau đó, ông xin hồ sơ về trình Hội chữ thập đỏ huyện và được sự đồng ý nên ông đã thông tin về ý nghĩa của việc làm này đến những người tấm lòng thiện nguyện, vì cộng đồng trong xã.

Việc hiến xác cho y học cùng việc tuyên truyền, kêu gọi bà con tham gia được đăng trên một tờ báo của thành phố Cần Thơ.

Ông kể: “Sau khi báo đăng, tôi rất bất ngờ nhận được điện thoại của nhiều người, chủ yếu hỏi thăm cho rõ hơn quy trình, thủ tục hiến xác. Tôi nói để tôi giúp cho”.

Tập "Hồ sơ hiến xác" dày cộm ngả màu theo năm tháng. Ảnh: Trần Tuyên

Mở tập tài liệu “Hiến xác” đã ngả màu, ông cho biết, tính đến ngày 20/4/2023, xã Trung Hưng có 50 người đăng ký hiến mô, hiến xác; có 37 người đã có thẻ, 1 trường hợp chờ làm thẻ và 12 trường hợp nộp hồ sơ đăng ký. 

Hầu hết những người tham gia hiến tạng đều làm nông. Tuy gia cảnh chẳng mấy khá giả nhưng họ rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như: chở người có hoàn cảnh khó khăn đi bệnh viện miễn phí, cất nhà tình thương, đóng quan tài, hùn tiền mua gạo, nhu yếu phẩm tặng cho những trường hợp ngặt nghèo.

Ông Quảng vận động được 8 người tham gia hiến xác, 11 người hiến mô. Ảnh: Trần Tuyên

Anh Lê Văn Ngon (43 tuổi, ngụ xã Trung Hưng) cho biết, anh làm ruộng và chạy xe khách. Tuy mới tham gia hoạt động thiện nguyện 3 năm nay nhưng anh đã coi đó là lẽ sống đời mình.

"Còn khỏe thì đi đóng quan tài, cất nhà tình thương, chạy xe chuyển viện miễn phí giúp người nghèo, khi mất, tôi sẽ hiến tạng để cứu người bệnh. Giúp được cho xã hội là tôi sẵn sàng", anh Ngon trải lòng. 

Những người nông dân chân lấm tay bùn đồng ý hiến mô, hiến xác khi qua đời. Ảnh: Huỳnh Tân

Là người trẻ nhất trong danh sách, em Bùi Thanh Vũ (25 tuổi) cho rằng chết là hết nhưng cho đi là còn mãi, việc hiến mô chính là nguyện vọng cả đời của em.

Thanh Vũ mong muốn sau này khi mất đi sẽ được "hồi sinh một lần nữa" ở một cơ thể khác, đó cũng là món quà nhỏ để lại cho cuộc đời và cho chính bản thân mình.

'Hot girl World Cup' Trâm Anh đăng ký hiến tạng

'Hot girl World Cup' Trâm Anh đăng ký hiến tạng

Sau một thời gian ngừng hoạt động, mới đây, hot girl Trâm Anh đăng tải bức ảnh chụp tấm thẻ đăng ký hiến tạng thành công trên trang cá nhân của mình. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.