- Trong cuộc trao đổi với báo giới mới đây, ông Yuan Song - tân Tổng giám đốc công ty Huawei Việt Nam đã chia sẻ về triển vọng phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam cùng thời điểm phù hợp để triển khai công nghệ 4G. Sau đây là một số nội dung cuộc trao đổi.


{keywords}
Ông Yuan Song - tân Tổng giám đốc công ty Huawei Việt Nam.

- Việc thay đổi lãnh đạo Huawei Việt Nam có tác động gì đến chiến lược kinh doanh của hãng tại thị trường Việt Nam nói chung và thị trường smartphone nói riêng hay không?

Ông Yuan Song: - Theo thông lệ, Huawei sẽ điều chỉnh cơ cấu lãnh đạo theo yêu cầu của hoạt động kinh doanh trong một chu kỳ nhất định, mục đích chính là để đạt được kết quả kinh doanh, cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng Việt Nam.

Được bổ nhiệm làm giám đốc Huawei Việt Nam, ông có kế hoạch gì với thị trường này? Các mục tiêu kinh doanh và kỳ vọng của ông trong năm 2014 và những năm tiếp theo là gì?

- Huawei Việt Nam đã xây dựng được quan hệ đối tác với các nhà khai thác viễn thông tại Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác của mình để cùng phát triển.

Trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Huawei sẽ tập trung nhiều tài nguyên để thúc đẩy phát triển mảng kinh doanh thiết bị đầu cuối, đặc biệt là smartphone, và mảng kinh doanh các giải pháp doanh nghiệp (Enterprise Business Group), hy vọng chúng tôi sẽ đạt được nhiều thành tích hơn trong các lĩnh vực kinh doanh này.

Với tri thức sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, Huawei sẵn sàng chia sẻ tri thức – kinh nghiệm, hợp tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ICT Việt Nam tài năng, cũng như xây dựng các chính sách thúc đẩy ứng dụng ICT và tạo ra một môi trường khuyến khích, phát huy sáng tạo cho cộng đồng, chẳng hạn như thông qua các chương trình học bổng, hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo các công nghệ tiên tiến như LTE, tổ chức Cuộc thi sáng tạo ứng dụng di động dành cho sinh viên…

- Các dự án về hỗ trợ học sinh sinh viên Việt Nam viết ứng dụng trên di động mà Huawei đang phối hợp cùng Bộ GD&ĐT có sự thay đổi gì không?

- Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục hợp tác cùng các cơ quan hữu quan để tạo ra môi trường sáng tạo công nghệ cho các thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt là các bạn sinh viên. Cuộc thi viết ứng dụng trên di động là một trong những hoạt động góp phần thúc đẩy phong trào sáng tạo công nghệ của sinh viên Việt Nam.

- Ông có thể tiết lộ doanh thu năm 2013 của Huawei Việt Nam, trong đó cơ cấu doanh thu có thay đổi ra sao so với những năm trước? Khó khăn kinh tế tại Việt Nam có ảnh hưởng đến doanh thu của Huawei không?

- Như chúng ta đều biết, trong năm 2012, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 13 năm qua, suy thoái kinh tế và giảm sút đầu tư công, cùng việc tái cơ cấu ngành viễn thông Việt Nam đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Huawei tại Việt Nam và áp lực đối với chúng tôi là rất lớn. Trong năm 2013, tình hình kinh doanh của chúng tôi đã tốt hơn, ổn định hơn.

Doanh số của Huwei tại thị trường Việt Nam trong năm 2013 đạt trên 100 triệu USD, tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước. Giải pháp viễn thông vẫn là mảng kinh doanh chủ đạo của chúng tôi. Tuy nhiên, trong năm 2013 mảng thiết bị đầu cuối (device), đặc biệt là smartphone đã đạt được một số kết quả rất khả quan tại thị trường Việt Nam, chiếm khoảng 40% cơ cấu doanh thu.

- Huawei hướng đến phân khúc smartphone nào ở Việt Nam, giá rẻ, tầm trung hay cao cấp?

- Năm 2014, Huawei sẽ công bố một số sản phẩm smartphone mới tại thị trường Việt Nam, bao gồm những sản phẩm vừa tốt vừa rẻ, cũng có sản phẩm cao cấp có sức cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu khác nhau của người sử dụng, đem lại trải nghiệm sử dụng tốt và lựa chọn hợp lý cho người dùng. Trong tháng 5/2014, Huawei Việt Nam sẽ công bố một số smartphone mới.

- Việt Nam dự kiến đến năm 2015 mới triển khai cấp phép 4G vì 3G vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết và thiết bị 4G vẫn còn đắt. Ông có bình luận gì về điều này?

- Tốc độ giảm về giá của thiết bị đầu cuối 4G rất là nhanh, bây giờ đã có thiết bị đầu cuối với giá dưới 150 USD/ sản phẩm. Dự kiến đến năm 2015 giả thiết bị đầu cuối 4G sẽ giảm xuống đến 100 USD/ sản phẩm. Trong giai đoạn bắt đầu triển khai 4G, đối tượng phục vụ chính chỉ là một số người sử dụng trong phạm vi nhỏ, đa số người dùng vẫn sử dụng 3G.

- Nhà mạng Việt Nam vẫn dè dặt với 4G vì dịch vụ 3G vẫn đang lỗ, nếu triển khai 4G sẽ khiến hiệu quả kinh doanh bị hạn chế. Ông có bình luận gì về điều này?

- Các nhà khai thác mạng của Âu Mỹ cũng bị lỗ trong giai đoạn bắt đầu triển khai 3G, đây là do thói quen của người sử dụng  và nội dung còn ít. Bây giờ nội dung ngày càng phong phú hơn, dữ liệu di động (mobile data) cũng mang lại ngày càng nhiều tiện lợi cho người sử dụng, cho nên các nhà khai thác mạng đã bắt đầu có lãi rồi, tôi tin rằng Việt Nam cũng sẽ như thế.

Châu Âu và Trung Quốc triển khai 4G cũng phải từ từ, có trọng điểm như đô thị, hay những khu vực không có băng thông cố định, chứ không phải triển khai đồng loạt. Tại Trung Quốc, từ năm 2013 đã triển khai 4G ở quy mô lớn, nhưng cá nhân tôi khi về nhà vẫn dùng 3G. Chắc chắn giai đoạn đầu triển khai giá thành sẽ đắt hơn, giá thiết bị đầu cuối đến cuối 2014 mới có thể giảm xuống 150 USD, nên đó là quá trình lâu dài và từ từ.

- Hiện có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc triển khai cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam. Các nhà mạng cũng như một số chuyên gia viễn thông cho rằng, thời điểm triển khai cung cấp 4G tại Việt Nam phù hợp nhất là từ năm 2015. Ông đánh giá thế nào về việc này? Việc bắt tay vào triển khai 4G tại Việt Nam trong vòng hơn 1 năm tới có là quá sớm?

- Triển khai 4G hay không là do người sử dụng cuối cùng quyết định. Nếu người sử dụng muốn có được tốc độ nhanh hơn, cảm ứng tốt hơn, và cũng có thể chịu được gói cước đắt hơn, nếu là những người sử dụng này đã đạt được số lượng nhất định, thì vì sao nhà khai thác mạng không triển khai 4G nhỉ?

- Xin cảm ơn ông!

  • H.P. (lược ghi)