Theo ghi nhận tại TP.HCM, hiện tượng người lao động kéo nhau đi rút bảo hiểm một lần lại tái diễn trong những ngày qua.
Tại trụ sở bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn (TP.HCM), khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, anh Trần Phi Toàn (ngụ huyện Hóc Môn) đã chờ để lấy số làm thủ tục. Đây là lần thứ 3 anh trở lại nơi này vì 2 lần trước đi từ 4h đều không lấy được số thứ tự.
Làm công nhân cho một công ty ở quận Bình Tân từ năm 2008, công việc tương đối ổn định cùng với mức lương theo thâm niên và chăm chỉ tăng ca, mỗi tháng anh Sơn thu nhập từ 9-10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đợt dịch Covid-19, công ty khó khăn, anh Sơn bị mất thu nhập. Người đàn ông 45 tuổi quyết định lấy rút bảo hiểm một lần để trang trải cuộc sống và lo cho cái Tết sắp đến.
Tình trạng trên cũng xuất hiện tại trụ sở bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức khi người lao động kéo đến làm thủ tục rút bảo hiểm một lần tại đây.
Giải quyết việc trước mắt nhưng sẽ thiệt thòi khi về già
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, đơn vị có nắm về tình trạng hàng trăm người dân thức đêm, chờ trực trước trụ sở bảo hiểm xã huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức để làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho thấy, lượng hồ sơ nộp trong tháng 11/2022 tăng 460 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái (tăng là 0,46%).
Ông Hà đánh giá, số lượng người dân nộp hồ sơ để lấy bảo hiểm xã hội 1 lần có tăng nhưng không nhiều.
“Thời điểm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 11 đến nay tình hình kinh tế có khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải sa thải lao động, thu hẹp sản xuất hoặc cho làm việc luân phiên. Điều người lao động bị sa thải dịp cận Tết không có tích luỹ nghĩ đến đầu tiên là rút bảo hiểm xã hội 1 lần”, ông Hà nhận định.
Lý giải về nguyên nhân tại sao tình trạng quá tải lại tập trung ở 2 địa điểm là Hóc Môn và TP Thủ Đức, Phó Giám đốc bảo hiểm xã hội TP.HCM cho rằng, đây là 2 địa phương tập trung nhiều lao động thuê nhà trọ. Đặc biệt, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức gộp lại, số lượng người thuê nhà trọ đông. Người lao động tập trung vào 1 cơ sở đó dẫn đến quá tải cục bộ.
Ông Hà cũng cho biết, ngoài nguyên nhân do khó khăn về kinh tế trong giai đoạn cuối năm, việc người lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần còn do chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH. Họ quyết định rút thời điểm này rất có thể sẽ ân hận về sau.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH 1 lần, người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH.
Với cách tính này, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh BHXH 1 lần cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều.
Không chỉ vậy, khi tham gia BHXH, bên cạnh việc được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nếu không may ốm đau đã có Quỹ Khám chữa bệnh BHYT chi trả.
Người thân, người chăm lo cho người tham gia BHXH còn được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia BHXH qua đời.
Chính vì vậy, Phó Giám đốc BHXH TPHCM Trần Dũng Hà cho rằng, người lao động nên cân nhắc thật kỹ việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
“Mục tiêu khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là để khi hết tuổi lao động sẽ có khoản lương hưu, có những quyền lợi liên quan đến y tế. Việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần khiến người lao động không đủ khả năng để hưởng chế độ hưu trí, thiệt thòi lớn khi về già, phải sống phụ thuộc vào con cái”, ông Hà khuyến cáo.
TP.HCM đang có 46 bưu cục của bưu điện và 22 bảo hiểm xã hội quận huyện, người lao động có nhu cầu rút, có thể chọn 1 trong số các địa điểm này để nộp hồ sơ. Theo quy định hiện hành, người lao động không nhất thiết phải nộp tại nơi cư trú mà có thể nộp bất nơi nào thuận tiện để tránh gây nên tình trạng quá tải như trong thời gian vừa qua. |
Nguyễn Nam