- Khi dư luận Mỹ còn chưa hết bàng hoàng sau vụ xả súng kinh hoàng nhằm vào trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut, nước này lại hứng chịu thêm một vụ nổ súng nữa, khiến cuộc tranh luận về kiểm soát súng càng nóng bỏng hơn bao giờ hết.

TIN BÀI KHÁC:



Một khách hàng kiểm tra súng trước khi mua ở một hiệu súng tại Texas. (Ảnh: AP)

Sớm ngày 24/12, những người lính cứu hỏa hối hả đến dập lửa tại một ngôi nhà đang bốc cháy ở thị trấn Webster, bang New York. Họ không ngờ rằng mình đã bị lừa: một tay súng phục sẵn ở đó đã bắn chết hai người và làm hai người khác bị thương. Hung thủ sau đó tự sát bằng một phát đạn vào đầu.

Cảnh sát cho biết, William Spengler, 62 tuổi, sử dụng cùng khẩu súng trường bán tự động giống như khẩu của hung thủ vụ thảm sát trường Sandy Cook. Không rõ động cơ của Spengler là gì nhưng hắn đã để lại một mẩu tin nói rằng hắn muốn đốt cả khu xóm và giết càng nhiều người càng tốt. Cảnh sát đã tìm thấy tổng cộng ba khẩu súng bên thi thể của Spengler và chưa rõ bằng cách nào hắn có được những vũ khí này.

Mới vài ngày trước, một người đàn ông đã bắn bừa ít nhất 50 phát đạn bên ngoài bãi đỗ xe tại một trung tâm mua sắm ở California song rất may không có ai bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 42 tuổi song không tiết lộ kẻ này đã sử dụng loại súng nào để tấn công.

Tranh luận nóng bỏng

Liên tiếp các vụ xả súng càng khiến cho cuộc tranh luận về kiểm soát súng ở Mỹ thêm nóng bỏng. Nhiều ý kiến đề nghị chính phủ Mỹ cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn việc sở hữu súng.

Sau khi xảy ra vụ Sandy Cook, Thống đốc Connecticut Dannel Malloy kêu gọi tập trung hơn nữa vào các biện pháp can thiệp và kiểm soát sở hữu vũ khí sát thương.

"Tôi nghĩ chúng ta đang có những vấn đề nghiêm trọng trong xã hội cần phải được giải quyết. Chúng ta đã không có những biện pháp chữa trị với những người có tiền sử bệnh tật, chúng ta không duy trì mối liên lạc với các gia đình đó, chúng ta lại để cho việc sở hữu súng quá dễ dàng. Có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết và chúng ta cần thảo luận về cách hỗ trợ các gia đình đang gặp vấn đề và cách chúng ta can thiệp", ông Malloy nói.

Ngay sau đó, bang New York đã lên kế hoạch thông qua luật kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu năm 2013. Còn theo Bộ trưởng tư pháp bang này, ông Eric Shneiderman, các nhà chức trách Mỹ cần bảo đảm những kẻ nguy hiểm không thể tiếp cận được vũ khí sát thương.

Hạ nghị sĩ Louise Slaughter khẳng định vụ bắn giết ở Webster là một lý do nữa để nước Mỹ thắt chặt luật kiểm soát súng đạn. "Chúng ta phải xử lý nạn bạo lực súng đạn tràn lan. Quốc hội phải sớm thông qua một điều luật toàn diện để chấm dứt tình trạng bạo lực vô nghĩa này", bà nhấn mạnh.

Ngay sau vụ tấn công hàng loạt ở Trường Sandy Hook, Tổng thống Barack Obama đã xuất hiện trên truyền hình và tỏ thái độ cứng rắn về giải quyết triệt để các vụ xả súng. "Đất nước chúng ta đã trải qua những bi kịch thế này quá nhiều lần", ông nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo này đã đặt mục tiêu đưa ra các đề nghị kiểm soát vũ khí vào tháng 1/2013.

Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng tuyên bố sẽ trình lên Quốc hội luật cấm súng trường có khả năng sát thương cao.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây không phải là một bài toán đơn giản vì các nghị sỹ của cả hai đảng, nhất là đảng Cộng hòa, đã và đang tiếp tục chịu áp lực nặng nề từ lá phiếu của các thành viên Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA), tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp súng đạn và đã quyên góp gần 1 triệu USD cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 vừa qua.

Mới đây, NRA thậm chí còn đề nghị mỗi trường nên có một nhân viên bảo vệ có vũ trang khi các trường mở lại vào tháng 1 tới. Wayne LaPierre, Phó Tổng giám đốc NRA tuyên bố: "Các chính trị gia thông qua luật cấm súng ở khu vực học đường... Họ dựng bảng quảng bá điều đó và làm vậy đã vô tình bảo với lũ điên giết người ở Mỹ rằng trường học là nơi an toàn nhất để chúng có thể gây thiệt hại tối đa mà ít bị nguy hiểm nhất.

Chủ tịch Liên đoàn Giáo viên Mỹ Radi Weingarten ngay lập tức lên án ý tưởng của NRA là "vô trách nhiệm và nguy hiểm", bởi "trường học phải là nơi trú ẩn an toàn cho trẻ em chứ không phải là pháo đài vũ trang".

New York Times bình luận về phát biểu của ông LaPierre là "gian dối, ảo tưởng, gần như loạn trí". Còn Boston Globe cho rằng NRA đang gieo rắc nỗi sợ hãi nhằm bán thêm nhiều súng và đang đưa nước Mỹ quay lại thời kỳ Viễn Tây hoang dã.

Thực trạng súng ở Mỹ

Điều tra về những trường hợp chết vì súng năm 2012 cho thấy, vấn đề không chỉ do băng đảng hay phe phái buôn lậu ma túy như người ta vẫn nghĩ mà nhiều trẻ em chết trong năm 2012 vì súng ống của cha mẹ, bà con hay người giữ trẻ.

Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố thành lập nhóm chuyên trách nghiên cứu và đề ra giải pháp ngăn chặn bạo lực súng đạn và sẽ đề xuất dự luật kiểm soát súng vào đầu năm 2013.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa đến nay luôn bác mọi cải cách luật sở hữu súng liên bang, gồm cả việc áp dụng lại lệnh cấm vũ khí sát thương đã được cựu Tổng thống Bill Clinton ban hành năm 1994 và hết hiệu lực vào năm 2004 dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush. Họ từng cho rằng kiểm soát súng đạn sẽ làm các công dân Mỹ tôn trọng luật pháp mất khả năng tự vệ, còn những kẻ muốn phạm tội thường không đếm xỉa gì đến lệnh cấm.

Tại Mỹ, hiện nay trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 người thương vong do súng đạn, trong đó khoảng 30.000 bị thiệt mạng. Một nguyên nhân được nêu ra là trên thế giới không nước nào người dân sở hữu súng nhiều như nước Mỹ. Theo thống kê, với dân số hiện tại khoảng 315 triệu người, ở Mỹ hiện có tới hơn 270 triệu khẩu súng các loại.

Và thực tế, doanh số bán súng đạn tại Mỹ tăng vọt sau vụ Sandy Hook do lo ngại việc sở hữu súng sắp bị hạn chế. Việc kinh doanh ăn theo vụ thảm sát ở Sandy Hook như cặp chống đạn cũng tăng vọt. "Sau vụ thảm sát ở Newtown, doanh số của chúng tôi đã tăng gấp 10 lần" - Richard Craig, giám đốc Công ty Amendement II, cho biết.

Mỹ cũng là nước buôn bán vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm hơn 40% lượng vũ khí chuyển giao trên toàn cầu.

Thanh Hảo (Tổng hợp)