Ba bệnh nhân được truyền thuốc giải độc chất Botalinum đã cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, ca nặng nhất vẫn tiên lượng dè dặt.
Tối 19/3, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, sau khi dùng thuốc giải, 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum mức độ nặng tại Quảng Nam đều có cải thiện bước đầu khá tốt. Các bệnh nhân sẽ được theo dõi sát, từng bước cai thở máy.
Cụ thể, ca ngộ độc nặng nhất đang điều trị là bệnh nhân H.V.Đ, 57 tuổi (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Ngày 18/3, bệnh nhân Đ. có tình trạng lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, phải thở máy và được truyền thuốc giải độc BAT lúc 20h.
Đến sáng nay, người bệnh biết khi được gọi hỏi, thực hiện được y lệnh nhưng chậm, có nhịp tự thở yếu, sức cơ tứ chi 2/5. Bệnh nhân có cải thiện sau 20 giờ truyền thuốc giải độc nhưng tiên lượng dè dặt.
Trường hợp thứ hai là H.V.Đ, 26 tuổi (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) được truyền thuốc giải tối 18/3. Trước truyền thuốc, người bệnh tỉnh, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu. Đến sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tứ chi 4/5, nhịp tự thở khá hơn.
Trường hợp thứ ba được truyền thuốc là H.T.T, 37 tuổi (xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Trước đó, bệnh nhân T. tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp, thở máy, có nhịp tự thở rất yếu, đang đặt máy tạo nhịp tim. Sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện y lệnh chính xác, nhanh, sức cơ tứ chi 4/5, nhịp tự thở khá hơn và giảm ngưỡng kích máy tạo nhịp.
Hai trường hợp H.V.Đ (26 tuổi) và H.T.T (37 tuổi) cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, có khả năng khởi động cai máy thở, tiên lượng khá.
Ngoài ra, 2 bệnh nhân trong chùm ca bệnh ở xã Phước Kim ngộ độc mức độ nhẹ, tỉnh, sinh hiệu ổn, có thể cải thiện không cần dùng thuốc giải.
Trước đó, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy đang có mặt tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho hay, khoảng 1 tuần sau mới có thể đánh giá chính xác tình trạng. Mặc dù được dùng thuốc giải nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp biến chứng nặng nên cần theo dõi sát sao.
“Thuốc giải rất quý và hiếm, chúng ta phải đánh giá, cân nhắc sử dụng thật hiệu quả, không nên lạm dụng. Thực tế, vẫn có những trường hợp cơ thể tự phục hồi. Ví dụ ở chùm ca bệnh thứ nhất, một người tử vong nhưng 4 người còn lại chỉ cần điều trị hỗ trợ, vẫn tỉnh táo”, bác sĩ Hùng lý giải.
Như VietNamNet đã đưa tin, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận liên tiếp 10 ca ngộ độc Botalinum, một người trong đó đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong món cá chép muối ủ chua các bệnh nhân ăn có độc chất Botalinum type E. Món cá này là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải ra Quảng Nam. Đây là các lọ thuốc giải quý hiếm cuối cùng của bệnh viện, trị giá khoảng 8.000 USD/lọ.
Bộ Y tế sẽ huy động bệnh viện hỗ trợ nếu cần
Liên quan vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua, cuối ngày 19/3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam và các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân.
“Trong trường hợp cần sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện khác, Bộ Y tế sẽ huy động”, công văn nêu rõ.
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhận yêu cầu từ Bộ Y tế chỉ đạo, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến cáo cho người dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn, đặc biệt truyền thông để người dân biết được các thông tin về ngộ độc Botalinum.
Sau khi nhận được thông tin về 10 trường hợp người dân ở Quảng Nam bị ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa và Viện Pasteur Nha Trang tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc.
Khuyến cáo khẩn sau vụ ngộ độc cá chép muối ủ chuaLiên tiếp 3 chùm ca bệnh nhiễm độc tố Botulinum xuất hiện trong thời gian ngắn tại tỉnh Quảng Nam. Độc tố được xác định có trong món ăn truyền thống của người dân khu vực này.