Người Nhật đang ăn ít cơm hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử quốc gia. Thực tế này khiến những người theo chủ nghĩa washoku (nấu ăn kiểu Nhật) lo ngại. 

Ngày nay, vị trí của gạo trong thị trường lương thực của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sụt giảm dân số, thay đổi lối sống và sự thống trị của các lựa chọn thay thế hấp dẫn khác.

Người Nhật ngày nay có nhiều lựa chọn tiện lợi khác thay vì ăn cơm.

Theo Bộ Nông nghiệp nước này, mức tiêu thụ gạo ở Nhật Bản đạt đỉnh điểm vào năm 1962, khi mỗi người dân ăn trung bình 118kg gạo/năm - tức là khoảng 5 bát cơm cỡ trung bình mỗi ngày. 

Nhưng đến năm 2020, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người đã giảm xuống hơn một nửa - chưa đến 51 kg/năm. Năm 2011, lần đầu tiên các hộ gia đình Nhật bản chi tiêu cho bánh mỳ nhiều hơn so với gạo. 

Khởi nguồn của thực trạng này là từ những năm kinh tế Nhật tăng trưởng “chóng mặt”, người Nhật bắt đầu ăn nhiều sản phẩm làm từ lúa mì hơn, ví dụ như bánh mỳ, mỳ tôm, mỳ ống.

Nhiều nguyên nhân kết hợp khiến ngày nay gạo trở thành một lựa chọn kém hấp dẫn hơn so với những năm sau chiến tranh. 

Sự gia tăng các hộ gia đình 1 thành viên cộng với áp lực công việc, cuộc sống gia đình khiến nhiều người đặt sự thuận tiện lên trên thói quen ăn uống kiểu "gohan" (cơm nấu chín).

Ngày nay, bữa sáng điển hình của người Nhật thường có bánh mỳ nướng và trứng luộc thay vì các món ăn truyền thống gồm cơm, cá nướng, súp miso và dưa chua.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của nhà phân phối gạo Makino, 84,8% người được hỏi cho biết họ ăn cơm hằng ngày, nhưng 68,1% nói rằng họ chỉ ăn cơm 1 bữa trong ngày. Chỉ có 16,7% ăn cơm cả 3 bữa.

“Ăn bánh mỳ thuận tiện hơn, nhất là vào buổi sáng” - Nanami Mochida, một giáo viên gần Tokyo, mẹ của một cô con gái tuổi ‘teen’ cho hay. 

“Chuẩn bị bữa sáng kiểu Nhật mất nhiều thời gian hơn. Bạn cần vo gạo, sau đó mất 30 phút đến 1 giờ để nấu cơm, kể cả là với nồi cơm điện”.

Khu phố Fukushima của Osaka từng là nơi có khoảng 50 cửa hàng gạo nhưng giờ chỉ còn lại 5 cửa hàng. Ông Shigeru, chủ sở hữu thế hệ thứ ba của cửa hàng có tuổi đời 100 năm, chia sẻ với tờ The Guardian: “Ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn đến nỗi mọi người không còn mặc định nghĩ đến cơm khi lên kế hoạch cho một bữa ăn nữa. 

Sakamoto, tác giả của Food Sake Tokyo, cho biết: “Những người trẻ tuổi thích ăn nhiều món ăn hơn, không chỉ là cơm truyền thống của Nhật Bản, súp miso và các món ăn phụ - những món ăn mất nhiều thời gian nấu hơn so với bánh mì nướng và trứng hoặc một bát mì. 

Chất lượng bánh mì và số lượng cửa hàng bánh mì ngày càng tăng khiến việc mua bánh mì trở nên dễ dàng hơn nấu cơm. Gạo lại còn không hề rẻ nên nhiều người chọn mỳ và bánh mỳ để tiết kiệm”.

Vì mức tiêu thụ gạo trong nước sụt giảm nên các nhà sản xuất tăng cường tìm kiếm đầu ra ở thị trường nước ngoài. Xuất khẩu gạo Nhật Bản tăng gấp 5 lần - từ 4.515 tấn vào năm 2014 lên 22.833 tấn vào năm 2021, trong đó 1/3 là xuất khẩu sang Hồng Kông (Trung Quốc).

Tuy nhiên, xuất khẩu cũng chỉ chiếm chưa đầy 0,5% sản lượng gạo nội địa Nhật Bản. Vì thế, các hợp tác xã nông nghiệp vẫn khuyến khích các nhà hàng phục vụ nhiều món liên quan đến cơm hơn.

Tuy vậy, những nỗ lực này không mang lại hiệu quả mong muốn. Đầu bếp Okumura - người trung thành với các bữa cơm - cũng phải thừa nhận rằng nấu cơm mất nhiều thời gian hơn. 

Trên áo phông của anh in một dòng chữ khiến các thực khách không thể nghi ngờ về lòng trung thành của anh với gạo: “Không có gạo. Không có sự sống”.

Horie - một người ăn gạo lứt ít nhất 2 bữa/ngày - lạc quan cho rằng loại ngũ cốc này vẫn sẽ là một mặt hàng chủ lực. “Chế độ ăn của tôi chủ yếu là cơm nhưng tôi mong đến lúc chúng ta không còn nghĩ về "gohan" chỉ là một bát cơm trắng nữa”.