Nghiên cứu cho thấy những người nhiễm Omicron có thể bị các triệu chứng bao gồm ngứa cổ họng, đau cơ nhẹ, ho khan và đổ mồ hôi ban đêm… Bệnh bắt đầu bộc phát sau 2 ngày tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
Khi số ca bệnh ở Anh tiếp tục tăng vọt, nhiều người đã báo cáo một triệu chứng mới của Omicron làm gián đoạn giấc ngủ.
Chuyên gia trị liệu giấc ngủ, Tiến sĩ Kat Lederly, giải thích chứng tê liệt khi ngủ hay còn gọi là bóng đè có thể là tác dụng phụ của biến thể Omicron.
Ảnh minh họa: Herworld
Hội chứng này xảy ra ngay trước lúc ngủ hay khi vừa thức giấc khiến một người không thể cử động hoặc nói. Họ cũng có thể cảm thấy ai đó ở trong phòng hoặc một cái gì đó đang đẩy mình xuống.
Tuy nhiên, đây là hiện tượng vô hại. Hầu hết mọi người sẽ chỉ mắc 1-2 lần trong đời.
Tiến sĩ Lederly đánh giá, có thể chính việc nhiễm virus đã tác động đến quá trình điều hòa giấc ngủ trong não.
Tuy nhiên, cô cũng cho rằng chứng tê liệt khi ngủ do căng thẳng xảy ra từ những thay đổi lớn trong cuộc sống. Đối mặt với sự không chắc chắn, lo lắng đang tác động tới giấc ngủ.
Trước đó, một nghiên cứu ghi nhận những bệnh nhân phải cách ly có sự gia tăng đáng kể về rối loạn giấc ngủ. Điều đó cho thấy chứng tê liệt khi ngủ có khả năng là một tác dụng phụ của đại dịch Covid-19.
Các dấu hiệu phổ biến của Covid-19 là sốt cao, ho dai dẳng, mất hoặc thay đổi vị giác/khứu giác. Dù vậy, các biến thể thường gây ra các triệu chứng khác. Omicron được ghi nhận gây ra bệnh tương tự cảm lạnh thông thường.
An Yên (Theo Mirror, Glasgowlive)
Mức độ nguy hiểm của căn bệnh Flurona liên quan tới Covid-19
Các chuyên gia dự đoán sẽ có thêm nhiều ca Flurona (nhiễm cả cúm và Covid-19) - một dạng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ hơn.