'Nhận án' ung thư ở tuổi xế chiều
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (83 tuổi, quê ở Nam Định) là một trong những “chiến binh” kỳ cựu của Bệnh viện K (Hà Nội).
Hai mươi năm trước, bà được chẩn đoán mắc ung thư máu. Dấu hiệu bệnh xuất hiện khi vùng cổ, cánh tay, sau cổ của bà nổi lên những hạch nhỏ.
Nghĩ mắc bệnh tuổi già, bà điều trị tại bệnh viện gần nhà. Sau hơn 2 tuần điều trị, bác sĩ chưa chẩn đoán được bệnh trong khi các hạch ngày càng tiến triển khiến bà và gia đình rất lo lắng.
Bà Yến đã tìm đến các phương thuốc Nam để uống kết hợp nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Một tháng sau đó, bà Yến được người quen tới thăm và khuyên tới Bệnh viện K để khám.
Lúc này, bà vẫn chần chừ với suy nghĩ không muốn đến bệnh viện điều trị ung thư. Tuy nhiên với sự động viên của gia đình, bà đồng ý đi với lời dặn các con: “Đưa mẹ đi khám một lần ở đây rồi về nhé”.
“Sau khi khám, bác sĩ bảo tôi ra ngoài chờ. Con trai tôi được bác sĩ gọi vào tư vấn và nhìn gương mặt thẫn thờ của con khi ra khỏi phòng, tôi biết đã có điều không hay...”, bà Yến chia sẻ.
Gặng hỏi mãi, cuối cùng bác sĩ cũng đã trao đổi trực tiếp với gia đình. “Chẩn đoán ban đầu là ung thư máu, cần nhập viện điều trị” là câu nói ám ảnh bà đến tận bây giờ.
“Trời đất như sụp đổ dưới chân, đi không vững, không muốn nghĩ thêm điều gì, tôi từ chối nhập viện ngày hôm đó...”, bà Yến nhớ lại khoảnh khắc khi phải đối diện với căn bệnh.
Con trai bà cho biết, những ngày sau đó, bầu không khí cả gia đình nặng nề hơn. “Mọi người lo cho sức khỏe của mẹ và nghĩ đến sự chia ly là nhiều bởi ung thư vẫn là nỗi ám ảnh quá lớn...”, anh nói.
Sau ngày từ bệnh viện trở về, đã có lúc bà Yến định uống thuốc Nam để điều trị nhưng các con động viên mẹ nhập viện, điều trị theo tư vấn, phác đồ của bác sĩ.
Liều thuốc tinh thần của người bệnh ung thư
Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bà Yến là TS.BS Đỗ Anh Tú, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện K. Bà Yến nhớ lại: “Ở phòng tư vấn, bác sĩ không hỏi tôi về bệnh, không nói về việc điều trị. Bác sĩ chỉ hỏi: 'Đêm đầu tiên ở viện bà có ngủ được không?' và nhắc ăn nhiều hơn... Nghe bác sĩ hỏi, tôi rơm rớm nước mắt”.
Sau 3 ngày đầu ở viện làm các xét nghiệm, buổi trưa, TS.BS Tú gặp bà Yến và người thân của bệnh nhân. “Ngày hôm đó là lần tôi khóc nhiều nhất...”, bà Yến nhớ lại.
“Bệnh của bác đã ở giai đoạn tiến triển, để điều trị ổn định, bác cố gắng hợp tác cùng các bác sĩ. Y học ngày càng phát triển nên bác cứ yên tâm. Ngoài thuốc điều trị cho bệnh thuyên giảm, ở đây còn có chúng cháu nữa - Câu nói ấy khiến tôi bật khóc. Đó cũng là câu nói giúp tôi quyết tâm phải vượt qua bệnh tật”, bà Yến kể.
TS.BS Đỗ Anh Tú chia sẻ thêm, bệnh nhân Yến là người bệnh được anh điều trị lâu năm nhất trong suốt quá trình công tác. “Cách đây 20 năm, bà đã được chẩn đoán là bạch cầu mạn dòng lympho. Bệnh đã ở giai đoạn III, tiên lượng cũng khá dè dặt nhưng ở thể trạng bệnh nhân tốt còn khả năng điều trị nên tôi cố gắng động viên bà theo phác đồ”, bác sĩ chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tú, tinh thần là yếu tố rất quan trọng để người bệnh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này.
“Lúc đó, tôi chia sẻ với bà như với người thân, như bà của mình. Dần dần bà cởi mở hơn, hiểu hơn về bệnh và từ đó cố gắng hợp tác điều trị”, TS.BS Tú thông tin. Sau chẩn đoán năm 2004, bà Yến được điều trị phác đồ hóa chất, sau 8 lần truyền đáp ứng rất tốt, ổn định và được về nhà theo dõi.
Sau điều trị, sức khỏe bà Yến ổn định. Khi thấy người mệt hay xuất hiện hạch gây đau, bà tiếp tục tới viện. Bệnh có dấu hiệu tái phát sau đó 4 năm/lần vào năm 2008, 2012 và 2016, bà Yến lại trở lại Bệnh viện K để điều trị.
Nhưng những lần điều trị ngắn ngày này không còn khiến bà có tâm lý nặng nề. “Lâu lâu không đến viện, tôi lại thấy nhớ các bác sĩ”, bà cười.
Hoàn cảnh gia đình bà Yến khá éo le khi 2 vợ chồng cùng mắc ung thư. Người chồng của bà mất sau hơn 3 năm điều trị, chống chọi với bệnh tật.
“Dù đau đớn khi chồng mất vì bệnh ung thư nhưng tôi tâm niệm rằng phải cố gắng, lạc quan, tập luyện và ăn uống để khỏe mạnh hơn. Bởi mình còn sống là các con, các cháu còn có một điểm tựa tinh thần, có nơi để trở về để gọi 'mẹ ơi, bà ơi'...”, bà nói.
Anh Hải - con trai thứ 2 của bà Yến, chia sẻ, không từ ngữ nào đủ để diễn tả niềm vui, hân hoan khi Tết vừa qua, cả gia đình sum vầy bên nhau, đánh dấu 20 năm mẹ của anh chiến thắng căn bệnh ung thư.
Đến nay, 7 năm sau đợt điều trị cuối, bà vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, trò chuyện cùng con cháu.
“Đó là niềm hạnh phúc bình dị nhưng lớn lao của gia đình. Hy vọng là câu chuyện của mẹ tôi sẽ phần nào đó tiếp thêm tinh thần, nghị lực cho những người bệnh khác”, anh Hải chia sẻ.