Khả năng xâm lấn mô của ung thư là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự lây lan ung thư sang các bộ phận khác của cơ thể. Thân nhiệt tăng có thể là dấu hiệu cho thấy khối u đang xâm lấn mô lân cận.
Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng. Đây cũng là phản ứng thông thường đối với nhiễm trùng hoặc bệnh tật.
Khi sốt xuất hiện ở bệnh nhân ung thư, đó thường là dấu hiệu cho thấy bệnh đã lan rộng hoặc tiến triển. Biểu hiện này hiếm khi xuất hiện ở giai đoạn đầu nhưng có thể xuất hiện ở các trường hợp ung thư máu.
Theo Antimicrobe, không có dạng sốt đặc trưng ở các bệnh nhân ung thư. Thân nhiệt có thể tăng cao vào ban ngày hoặc ban đêm. Sốt khởi phát đột ngột kèm theo rét run liên quan đến nhiễm khuẩn huyết. Sốt vào buổi chiều có thể do áp xe trong ổ bụng. Các đợt sốt cách nhau vài ngày có nguy cơ liên quan tới ung thư hạch Hodgkin.
Theo Hội Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, tình trạng sốt có thể khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu và lo lắng.
Một số nghiên cứu cho biết triệu chứng này phổ biến hơn ở các dạng ung thư máu. Các bệnh ung thư hay gặp như ung thư vú, phổi và ruột ít gây sốt hơn. Tuy nhiên, một người mắc các bệnh ung thư trên cũng có thể bị sốt nếu khối u đã lan đến gan.
Hiện các nhà chuyên môn chưa rõ tại sao một số loại ung thư lại gây sốt hơn những loại khác. Một giả thuyết cho rằng một số bệnh tạo ra độc tố, có thể gây sốt. Theo Trung tâm Ung thư Toàn diện Roswell Park (Mỹ), một khối u có thể gây nhiễm trùng tạo ra chất gây sốt hoặc cản trở hoạt động bình thường của vùng dưới đồi trong não.
Sốt là một dấu hiệu hiển nhiên của các phản ứng viêm diễn ra trong cơ thể. Theo tạp chí Herald Scholarly Open Access, cơ thể có thể phản ứng với cơn sốt bằng cách đổ mồ hôi để giúp nhiệt thoát ra ngoài. Đây là lý do bệnh nhân ung thư thường bị bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm trước khi được chẩn đoán.