- U22 Thái Lan khiến tất cả phải nể phục bằng lối đá khôn ngoan đầy bản lĩnh, lần lượt vượt qua những đối thủ rắn mặt là U22 Việt Nam hay U22 Myanmar để ngạo nghễ có mặt trong trận chung kết SEA Games 29.
Đừng đùa với người Thái!
Trước khi bước vào ngày hội thể thao Đông Nam Á, HLV Worrawoot đưa ra tuyên bố đầy tranh cãi: "U22 Thái Lan sẽ đề cao tính thực dụng. Chúng tôi không quan tâm đến bóng đá đẹp. Điều quan trọng nhất là chiến thắng".
U22 Thái Lan chơi thứ bóng đá thực dụng và hiệu quả |
Triết lý ấy của nhà cầm quân 45 tuổi khiến người hâm mộ Thái Lan phản ứng dữ dội. Thực tế sau hai trận đầu tiên ở vòng bảng, "những chú voi chiến" khởi đầu ì ạch, trình diễn lối đá không mấy thuyết phục. Người hâm mộ lập tức quay lưng, bằng chứng là số CĐV trực tiếp đến sân cổ vũ rất ít ỏi.
Bất chấp điều đó, Worrawoot cùng các học trò vẫn kiên định đi theo con đường đã chọn. Bị U22 Indonesia cầm chân, nhưng các trận tiếp theo, Thái Lan thắng nhẹ ngàng Campuchia, Đông Timor và Philippines.
Worrawoot xoay tua cầu thủ và điểm mấu chốt, những mảng miếng hay nhất của người Thái chưa bị lộ. Hễ có bàn thắng vượt lên, họ lại giảm nhịp độ, đá chậm, chắc vừa đủ để ẵm trọn 3 điểm.
Đó là cách chơi của những kẻ khôn ngoan, lọc lõi trong bối cảnh phải thi đấu liên tục với mật độ 2 ngày/trận. Đương đầu Việt Nam trong trận quyết định tranh vé bán kết, U22 Thái Lan mới bung ra những gì tinh hoa nhất mà họ đang có.
45 phút đầu là lối đá pressing chủ động, bóp nghẹt tuyến giữa của đối thủ. Ở thế buộc phải thắng nhưng các cầu thủ Thái Lan không hề nóng vội, bình tĩnh chờ đợi U22 Việt Nam mắc sai lầm rồi tung ra những cú đòn chính xác.
Người Thái lầm lũi tiến bước vào chung kết |
Loại bỏ đối thủ nguy hiểm nhất khỏi vòng chiến, thầy trò Worrawoot gặp bất lợi tại bán kết khi chỉ có 1 ngày hồi phục, còn U22 Myanmar đã đấu xong vòng bảng từ hôm 21/8.
Ở hoàn cảnh đó, những cái tên chơi rất hay trước Việt Nam như Sasalak, Worachit bị đẩy lên ghế dự bị. Worrawoot sử dụng Chaiyawat hay Nattawut sung sức hơn. "Những chú voi chiến" vẫn làm chủ thế trận và tạo ra không ít cơ hội ngon ăn.
Cũng cần phải dành lời khen cho sự kiên cường nơi các chàng trai trẻ Myanmar. Dẫu vậy, người Thái một lần nữa chứng tỏ đẳng cấp và bản lĩnh ở thời điểm ít ai ngờ. Phút bù giờ thứ 5, Samphaodi đánh đầu hiểm hóc ghi bàn duy nhất đưa U22 Thái Lan vào chung kết.
U22 Việt Nam ảo tưởng sức mạnh
Đoàn quân đỏ sớm xách vali về nước để lại nhiều tiếc nuối. Giới truyền thông nước ngoài còn "khóc thuê" cho thầy trò Hữu Thắng với những lời bình luận, "U22 Việt Nam giống Hà Lan tại các giải đấu lớn, nhiều ngôi sao nhưng thường mang đến nỗi thất vọng", hay "đội bóng hay nhất SEA Games không có mặt ở bán kết"...
Chẳng ai phủ nhận, dưới tay Hữu Thắng là lứa cầu thủ trẻ rất tốt, được đào tạo bài bản và kinh qua nhiều giải đấu lớn nhỏ vài năm qua. Tuy nhiên, những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... dường như quá huyễn hoặc vào sức mạnh của mình.
Công Phượng và các động đội không đáp ứng được sự kỳ vọng |
Đúng như lời HLV Worrawoot nhận xét, 3 chiến thắng hoành tráng trước các đối thủ yếu đầu giải đã làm hại U22 Việt Nam. Những điểm mạnh yếu trong lối chơi sớm bị phát lộ, nên HLV Hữu Thắng không còn thời gian để điều chỉnh, khi họ vấp phải những kẻ "đồng cân, đồng lạng" như Indonesia hay Thái Lan.
Có nhiều quân bài tốt, nhưng chiến lược gia xứ Nghệ lại thiếu sự tính toán, phân phối sức cho đám học trò. Thể lực vẫn là điểm yếu cố hữu, vậy mà bộ khung đội hình chính cứ ra sân đều đặn qua từng trận.
Hệ quả, gặp những đội bóng vây ráp tốt, liên tục chơi áp sát, U22 Việt Nam không thể triển khai thế trận theo đúng ý mình. Đến tầm phút 70 đổ ra, nhiều cầu thủ rơi vào trạng thái "hết pin".
Hơn nữa, HLV Hữu Thắng cũng phải thừa nhận, ông làm chưa tốt công tác tư tưởng, khích lệ tinh thần đám học trò. Vậy nên, khi bị người Thái dẫn trước, hầu hết cầu thủ Việt Nam rơi vào trạng thái căng cứng tâm lý, không thể gượng dậy.
* Đăng Khôi (từ Kuala Lumpur, Malaysia)