Thêm chế độ thai sản, thay đổi tỷ lệ hưởng lương hưu
Luật BHXH 2024 quy định, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Luật BHXH mới cũng quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên. Mức lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện được tính như sau:
Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam, lương hưu bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, tương ứng 15 năm đóng , sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.
Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng cao hơn bằng 0,5 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.
Trường hợp người tham gia BHXH tiếp tục đóng BHXH tự nguyện sau khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng dừng đóng và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Hưởng BHXH một lần
Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH.
Trường hợp người lao động không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: Bằng 1,5 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với năm đóng trước năm 2014.
Trường hợp thời gian đóng BHXH có cả trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng BHXH một lần. Bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 2 lần của mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH.
Người lao động dừng đóng BHXH tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định, chưa nhận BHXH một lần hoặc chưa hưởng trợ cấp hằng tháng thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.