Không ít người đang bày tỏ sự lo ngại về một thế hệ trẻ Việt lười nhác, ngổ ngáo, đua đòi, thực dụng, ích kỷ và sống ảo. Nhưng hãy nhìn lại quá khứ, hình như thời nào thì người lớn cũng quanh đi quẩn lại có chừng ấy mối lo.
Rạp phim vỏn vẹn vài người. Được khoảng nửa phim, ba người bỏ về. Đôi nam nữ thiu thiu tựa vào nhau. Chỉ còn một phụ nữ ôm đứa con nhỏ, thút thít.
Đó là một bộ phim nghệ thuật nói về những phụ nữ Pháp cuối thế kỷ 19. Họ kết hôn khi tuổi đời còn rất trẻ. Hầu hết là do được/bị mai mối. Có người chỉ bắt đầu biết (không phải hiểu) về chồng của mình sau khi kết hôn vài ngày. Nhưng họ giống nhau ở chỗ kết hôn xong là ở nhà đan len, làm bánh và sinh con. Sinh liên tục. Sinh đến rạc cả người, đến vong thân...
Chủ đề phim như vậy, đương nhiên không thể được lòng người trẻ.
Vài ngày sau, tôi xem một bộ phim được chuyển thể từ Mật mã Da Vinci của Dan Brown. Rạp đông kít, dù giá vé cuối tuần không rẻ. Tuần tiếp theo, tôi xem tiếp một bộ phim siêu anh hùng. Chiếm trọn không gian rạp không ai khác hơn là người trẻ.
Không chỉ có các rạp phim mà cả Việt Nam này quả thật rất ưu ái người trẻ. Sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, chương trình truyền hình, sách truyện, báo trực tuyến, quán cà phê, tiệm ăn, trung tâm ngoại ngữ, sân vận động, phố đi bộ, kể cả công viên đều ăm ắp người trẻ, chuyên chở các đề tài trẻ. Người trẻ là mặt tiền của thành phố. Những người suýt trẻ như tôi và những người không còn trẻ bỗng biết tự giác lui vào những ngõ hẻm của khiêm nhường và chừng mực.
Ở xứ sở này, ai cũng hiểu rằng thuận lợi học hành, làm việc, yêu đương... tỷ lệ nghịch với độ cao tuổi tác. Nhưng hình như dân chúng chả mấy phiền lòng, hoặc dẫu có thì cũng không lăn tăn vì biết rằng ai cũng có một thời.
Một gia đình hàng xóm của tôi sang Mỹ định cư khi các thành viên không còn trẻ, không ngoại ngữ và không có nghề nghiệp gì chắc chắn. Những năm tháng hồi hộp và ngoắc ngoải chờ cha mẹ bảo lãnh khiến họ không an yên làm bất cứ việc gì.
Nửa năm sau ngày họ xuất cảnh, tôi nhận được tin họ (hai người trên 40 và một người ngoài 50 tuổi) đều đã tìm được việc làm và đang theo học lớp tiếng Anh cấp tốc. Cuộc sống của những người ngấp nghé tuổi hưu theo quan niệm Việt như vừa bắt đầu. Năng động, tươi mới và đặc biệt là không mặc cảm vì... lớn quá.
Dường như khái niệm trẻ của phương Tây được tính bằng động lực vươn lên, khả năng lao động, cống hiến cho xã hội, kể cả việc làm sao miễn người ta thấy mình còn trẻ. Thế nên mới có chuyện Tom Hanks, Tom Cruise lẽ ra chỉ phơn phớt xuất hiện thì vẫn thủ vai chính trong các phim hành động, còn Donald Trump ngon lành làm tổng thống ở tuổi 70.
Những điều kể trên cũng có thể sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam trong vài thập niên nữa. Còn bây giờ, chúng chưa cần thiết ở một đất nước mà những đứa trẻ không ngừng được sinh ra.
Thế những người trẻ được nâng niu ở nơi này, họ nghĩ gì và làm gì? Họ có ý thức về uy quyền tuổi trẻ của mình không?
Tôi nghĩ là có. Hoàn toàn có. Hẳn nhiên là có.
Người trẻ Việt bây giờ “biết sống” hơn. Đó là điều mà không ai có thể phủ nhận. Những trung tâm thương mại, các tòa nhà sang trọng và trung tâm giải trí đa năng luôn đông đúc người trẻ. Họ tạo ra một thế hệ tiêu thụ khổng lồ và sành sỏi.
Các xưởng sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ không ngừng thực hiện những cuộc điều tra quy mô về nhu cầu của họ. Bởi, người trẻ cứ liên tục cập nhật những khuynh hướng mới, không phải là từng ngày mà là từng phút, từng giây. Hôm nay mới mê trà sữa, kimbap, sushi, matcha, khúc bạch, hôm sau đã thấy họ điền vào chỗ trống những dãy bàn ghế của quán mì cay bảy cấp độ. Rồi thì bánh tráng mắm ruốc, bánh tráng trộn nhường chỗ cho xoài lắc; xoài lắc bất ngờ thua sút bánh mì nướng muối ớt và hiện giờ thì tất cả xúm xít vào tô mì bay thần thánh mà thực chất là một kiểu mì gói có “decor”.
Không ai đoán được sắp tới người trẻ thích ăn gì. Bổ dưỡng hay có nguồn gốc an toàn không hẳn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng là được ăn trong bầu khí quyển của trào lưu. No bụng rồi, người trẻ dư sức sáng tạo những “từ vựng” thời thượng, “chất lừ” và rỉ rả cho nhau.
Chẳng mấy chốc mà cả nước nhất định phải hiểu thế nào là “tha thu”, “thả thính”, “thánh”, “diễn sâu”, “mình thích thì mình làm thôi”, “con nhà người ta”, “gạt tay trúng má”... Nhiều người ủ rũ vì sợ tiếng Việt không trong sáng, trong khi số khác coi đó là gia vị không thể thiếu của sự khôi hài.
Người trẻ đâu cần phải “thanh niên nghiêm túc” như tiền bối. Cứ sành điệu và phong cách, cứ dại khờ và trải nghiệm, miễn trái tim không ngừng nâng cấp chất lượng và giàu lên mỗi ngày là được.
Người trẻ cũng chẳng còn nhất trí với những quan niệm ngỡ là Vạn Lý Trường Thành của bố mẹ. Ngày xưa, bố mẹ nghĩ rằng nhà cửa phải “có chân” trên mặt đất. Những ai ở chung cư được xem như khúc xế chiều của thời bao cấp và đương nhiên không được tính là thành đạt. Giờ thì người trẻ xem việc sở hữu một căn hộ trên không là chuẩn mực phong lưu. Mà họ cũng ngán ngại cảnh tam, tứ đại đồng đường, chỉ thích độc lập tự do. Khi được tung hoành theo ý muốn rồi thì hôn nhân cũng chẳng phải là ưu tiên số 1 nữa.
Ngày xưa, bố mẹ xem “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn” là chân lý, giờ thì người trẻ không thể chờ đến lúc sống hết cho mọi người rồi mới sống cho mình. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.
Người trẻ nào giờ ra đường cũng xúng xính xe đời mới, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, thời trang hàng hiệu hoặc nếu là hàng may mặc nội địa thì phải được “mix” và có phong cách hẳn hòi, dù đằng sau sự hào nhoáng có khi là các hóa đơn trả góp (cũng đừng hòng mặc áo, xách giỏ đạo nhái hay check-in ảo nhé; một vài thao tác online thôi, những dấu hiệu thiếu trung thực sẽ bị bóc mẽ không thương tiếc). Ngày xưa, bố mẹ dạy con cái phải khiêm tốn, nói ít nghe nhiều.
Nhưng giờ ai biết tự thể hiện và chịu khó thi thố thì sẽ có cơ hội thành công hơn. Các chương trình truyền hình thực tế ra đời liên tục mà vẫn không thiếu thí sinh đăng ký. Tài năng thì tuyệt, chiêu trò không thành vấn đề, vạch áo cho người xem lưng cũng tốt, quái gở càng độc lạ, cốt sao người ta chú ý đến mình.
Những ngày cuối năm 2016, một nữ sinh viên gây xôn xao dư luận khi đặt câu hỏi với các nhà tuyển dụng rằng em phải học tập và làm việc như thế nào để lương khởi điểm 2.000 Mỹ kim. Nhiều người trách em quá háo thắng và thiếu kinh nghiệm. Nhưng một bộ phận người trẻ lại thấy câu hỏi ấy vô cùng có lý mà cũng chẳng có gì quá đáng. Tại sao cứ phải tuân thủ một công thức: đầu tiên phải chấp nhận thiệt thòi, bị sai vặt, chịu mức lương làng nhàng rồi từ từ sẽ được nhìn nhận và thăng tiến? Nếu con đường của mọi người đều giống nhau thì đời này đã chẳng có vĩ nhân.
Người trẻ bây giờ chắc chắn cũng hướng ngoại hơn. Việc sáng ở Sài Gòn mà tối đã “check-in” ở một đất nước xa xôi là điều vô cùng bình thường. Xách ba lô lên và đi đã trở thành một trào lưu ngót nghét mươi năm và chưa hề có dấu hiệu nguội đi. Công nghệ số khiến việc đi lại dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một máy tính nối mạng, vài phút sau đã biết khách sạn nào đang giảm giá, hãng hàng không nào đang khuyến mãi, tour nào đang hot và cảnh trí nào đáng quan tâm nhất hiện nay.
Cả thế giới trong tầm tay, tội tình gì mà không thụ hưởng! Cái sự hướng ngoại ấy còn thể hiện ở những status, hình ảnh cùng những icon công khai trạng thái mọi lúc mọi nơi. Cũng vì vậy mà người trẻ bị dán nhãn hời hợt, thiếu kín đáo, không ý tứ. Thật ra thì đó là một cách để họ “xả”, để thư thái hơn mà cũng chẳng hại ai trong nhịp đời huyên náo này.
Không ít người không trẻ và cả những người đang trẻ bày tỏ sự lo ngại về một thế hệ trẻ Việt lười nhác, ngổ ngáo, đua đòi, thực dụng, ích kỷ và sống ảo. Nhưng hãy nhìn lại quá khứ. Hình như thời nào thì người lớn cũng quanh đi quẩn lại có chừng ấy mối lo.
Đầu thế kỷ 20, Nhất Linh đã dùng từ “gái mới” đầy kiêu hãnh và viết ra những bản cáo trạng sắc sảo đả phá xã hội cũ nhằm chở che cho những người trẻ không chịu bó mình trong định kiến. Các bậc phụ huynh của thập niên 60, 70 thế kỷ trước từng kêu trời kêu đất vì trào lưu hippie. “Bọn hippie” ấy giờ đã là những người ông, người bà dư thừa đức hạnh và không chừng đang ca cẩm, ta thán đời F1, F2 của mình.
Cách đây 23 năm, Phan Thị Vàng Anh ra mắt Khi người ta trẻ và nhận được sự đồng cảm của toàn xã hội, nhất là giới trẻ. Giờ đọc lại, tôi thấy cái sự nổi loạn của nhân vật nữ trong câu chuyện đó quá lành so với người trẻ bây giờ. Nhưng có một điểm vẫn còn nguyên giá trị: người trẻ cứ sai “vì cuộc đời cho phép”, cứ trả giá vì ngã rồi tự khắc lớn khôn thêm.
Đôi lúc, tôi cũng cho rằng thanh niên bây giờ nổi loạn và ngông nghênh, cho đến khi say sưa ngắm những người trẻ trong bộ áo tràng xám nhạt thướt tha đi lễ và làm việc thiện nguyện ở chùa. Tôi sáng bừng đôi mắt khi đọc bài viết về con gái cô lao công mới 19 tuổi đã dành học bổng toàn phần ở Đại học Harvard và nói một câu dung dị mà đầy triết lý: “Tập thể dục, có điều kiện thì đến phòng gym, không thì chạy bộ, đạp xe. Học cũng thế, có điều kiện thì tốt hơn nhưng nếu thật sự muốn làm điều gì đó thì trong hoàn cảnh nào cũng làm được”.
Tôi rạng rỡ khi đọc bài tiểu luận đầy sức gợi và suy tưởng về bức tranh “Trường học Athens” của một du học sinh Việt Nam được đăng trang trọng trên tạp chí The Atlantic (Mỹ). Có một thực tế rất sáng sủa là những người trẻ ngày càng năng động, giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ và sẵn sàng đối thoại với hiện tại lẫn quá khứ. Những cuộc giải cứu động vật, những đợt quyên góp nhân đạo, những trào lưu nhận thức và hành động vì cộng đồng trong nhiều năm qua được thắp lên bởi người trẻ. Vậy nên, người trẻ đâu cần phải “thanh niên nghiêm túc” như tiền bối. Cứ sành điệu và phong cách, cứ dại khờ và trải nghiệm, miễn trái tim không ngừng nâng cấp chất lượng và giàu lên mỗi ngày là được.
Và, nếu để ý, ta sẽ thấy giới trẻ Việt bây giờ tự giác hoài cổ. Họ sưu tầm những chiếc máy hát đĩa như hoa loa kèn, những chiếc ti vi có chân và cửa như cái tủ và sung sướng cưỡi lên chiếc xe Honda 67 như một chiến tích. Họ mê mẩn hát dân ca, bolero và khao khát trở thành danh ca vọng cổ đâu thua gì thế kỷ trước. Thiếu điều gì họ sẽ tìm điều ấy. “Break the rules” - phá bỏ mọi giới hạn - đang là xu hướng và sẽ luôn là xu hướng của người trẻ.
Bên cạnh đó, “globalization” - từ vựng được truy cập 43 triệu lượt trên google - cũng nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng người trẻ sẽ hội nhập thế giới cũng như tạo nên vị thế của đất nước thông qua nỗ lực của bản thân và sự chuyên nghiệp trong việc vươn lên những chuẩn mực toàn cầu, chứ không phải là làm sao cho giống ngày xưa. Do đó, thay vì trách cứ và soi mói người trẻ, hãy giúp họ nhận thức sự thân thiện và sức sống của những giềng mối truyền thống.
Viết đến đây, tôi bất giác nhớ lời sấm của kẻ tiên tri dịu dàng Almustafa trong Ngôn sứ (Khalil Gibran). Khi một bà mẹ hỏi ông về ý nghĩa của con cái, Almustafa đáp: “Các ngươi có thể cho chúng tình yêu nhưng chẳng thể cho chúng tư tưởng mình/Bởi chúng có tư tưởng riêng của chúng/Các ngươi có thể cầm giữ thân xác chúng trong nhà nhưng không chứa nổi tâm hồn chúng/Vì tâm hồn chúng cư ngụ trong ngôi nhà của ngày mai, nơi các ngươi không thể viếng thăm, dù là trong giấc mơ/Các ngươi có thể gắng sức trở nên giống chúng nhưng chớ tìm cách làm chúng giống mình/Vì đời sống không trở gót cũng chẳng lần lữa với hôm qua...”.
Và bộ phim mà tôi nhắc ở đầu bài có tên là Vĩnh cửu của đạo diễn Trần Anh Hùng. Người phụ nữ ngồi ôm đứa con thút thít trong rạp hôm đó cũng còn rất trẻ. Tôi đoán rằng cô ấy là một tín đồ điện ảnh từ thuở còn son rỗi, giờ vừa muốn làm tròn bổn phận vừa nhín chút thời gian cho sở thích riêng tư. Những giọt nước mắt trên má cô là niềm hân thưởng dạt dào do đòng đưa, tương tác với bộ phim.
Mà một bộ phim chỉ nói về vài đám cưới với mấy chục đứa con thì đâu cần phải đặt cái tên “Vĩnh cửu” như một sự tự khẳng định, một tuyên thệ chắc nịch vậy. Rõ ràng, thông điệp của những người làm phim đã được xác lập: có những điều là hằng hữu, là bất biến trong bất cứ thời nào, như yêu đương và sinh nở, như xoắn xít và buông bỏ, như thiêng liêng và giải thiêng... Chỉ có điều, cách thể hiện mỗi thời mỗi khác. Còn vòng đời vẫn thế, xoay tròn.
Theo Diễm Trang/Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt.