Rất nhiều người Trung Quốc thuê trọ dài hạn ở các xã vùng ven TP Nha Trang để làm việc chui nhưng các cơ quan chức năng không quản lý được.

Ngày 4-4, Công an xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang cho biết vừa mới phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) - Công an tỉnh Khánh Hòa kiểm tra phát hiện 13 người Trung Quốc (TQ) đang sống ở một căn hộ nhưng chưa đăng ký lưu trú.

Hành tung bí ẩn

Theo Công an xã Vĩnh Thạnh, nhóm người TQ này sinh sống từ trước Tết 2018 trong một căn hộ do một người Việt Nam đứng tên thuê. Do bất đồng ngôn ngữ nên khi kiểm tra Công an xã Vĩnh Thạnh không biết những người này làm gì, ở theo diện nào nên đã báo cáo đến Công an TP Nha Trang.

{keywords}
Nhiều người Trung Quốc thuê nhà ở vùng ven để làm việc tại TP Nha Trang

"Sau khi công an xã báo cáo, Công an TP Nha Trang cùng với PA72 kiểm tra căn hộ này, phát hiện có 13 người TQ có hộ chiếu du lịch, chưa đăng ký lưu trú. Sau khi đoàn kiểm tra xử lý xong thì mới đăng ký lưu trú ở nhà nghỉ Ngọc Trang (đối diện). Những người này cho biết đang làm việc tại cơ sở mua bán đá mỹ nghệ trên đường 23/10" - ông Huỳnh Văn, Trưởng Công an xã Vĩnh Thạnh, cho biết. Vào chiều 4-4, căn hộ này đã "mọc" thêm bảng nhà nghỉ Ngọc Trang và có nhiều người TQ thường xuyên ra vào.

Theo ông Văn, đoàn kiểm tra cũng đến cơ sở kinh doanh đá mỹ nghệ Hoàng Gia ở đường 23/10. Cơ sở này mới mở, chuyên bán sản phẩm đá cho khách theo đoàn TQ. Khi có khách cơ sở mới mở cửa.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công an xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang cho biết tại xã này cũng xuất hiện nhiều nhóm người TQ đăng ký thuê tại một số nhà nghỉ trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng khách thường xuyên biến động nên chưa xác định cụ thể số người.

Còn tại khu đô thị Phước Long (phường Phước Long, TP Nha Trang), tình trạng người TQ thuê nhà nguyên căn cũng rất phổ biến. Một người dân sống ở đường Đặng Thị Kim cho biết: "Khu phố này trở thành phố TQ rồi, chỉ còn một vài nhà không cho thuê. Họ ở đây rất kín tiếng, không ai biết làm gì, ở đâu. Khoảng 7 giờ sáng họ đi từng đoàn ra đầu đường có ô tô đến chở, chiều khoảng 17-21 giờ thì về. Có khi đến 1 giờ sáng xe mới chở về. Họ sinh hoạt khép kín, phải đến tối mới có người ra khỏi nhà tập thể dục".

Theo ông B. - một người cho thuê căn hộ ở khu đô thị Phước Long, nhu cầu người TQ thuê phòng trọ rất lớn. Ông mới xây 30 phòng trọ thì có người TQ đến thuê với thời hạn 6 tháng, trả tiền một lần. Không biết họ làm gì, nhưng rất kín tiếng, ít giao tiếp với người lạ.

Quản lý lúng túng

Lãnh đạo Công an xã Vĩnh Trung cho biết do bất đồng ngôn ngữ nên không trao đổi được với những khách trọ TQ. "Nhà nghỉ thì được phép đăng ký lưu trú cho khách nước ngoài. Qua tìm hiểu được biết họ thuê trọ để "lách" luật lao động, làm việc ở một số cơ sở tại trung tâm TP Nha Trang. Biết vậy thì báo lên cấp trên thôi" - vị lãnh đạo này nói.

Còn ông Huỳnh Văn cho rằng: "Những người này mang hộ chiếu du lịch thì phải ăn chơi, mua sắm nhưng đằng này lại ở nhà nghỉ cả tháng trời như là ở luôn vậy. Tôi cho rằng việc ở lại rồi đi làm ở các cơ sở trong trung tâm TP Nha Trang là vi phạm luật. Xã đang nghiên cứu để kiến nghị trục xuất những người này". Đặt vấn đề mặc dù đã đăng ký lưu trú nhưng những người TQ này "tráo người" thì công an xã xử lý sao? Ông Văn nói công an xã cũng chỉ có cách thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và báo lên cấp trên.

Tương tự, lãnh đạo UBND xã Phước Đồng, TP Nha Trang cũng cho biết chỉ riêng xã Phước Đồng đã có 10 cửa hàng chuyên bán cho người TQ, trong đó có 3 cửa hàng đã bị đình chỉ vì không có giấy phép xây dựng. Qua kiểm tra cũng phát hiện một số người TQ đang làm việc nhưng họ mang hộ chiếu du lịch. Khi cửa hàng nghỉ thì họ về các nhà nghỉ, khách sạn để lưu trú. "Ở Phước Đồng bây giờ nhà nghỉ san sát. Không chỉ đại lộ Nguyễn Tất Thành và cả trong các thôn, hẻm cũng có nhà nghỉ. Nhà nghỉ mọc lên như vậy thì chủ yếu phục vụ nhân viên TQ của các cửa hàng chứ khách nào ở đây" - vị lãnh đạo trên nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho rằng để chấn chỉnh tình trạng người nước ngoài lao động chui, cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Xuất nhập cảnh… Về phía TP đã có văn bản yêu cầu Công an TP rà soát lại tình trạng người nước ngoài lưu trú tại các địa phương để quản lý chặt chẽ và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho rằng sở chỉ quản lý các trường hợp đã được cấp phép lao động. Các trường hợp khác như du lịch, thăm thân nhân… hiện đang tạm trú tại các địa phương nghi ngờ làm việc "chui" thì trách nhiệm thuộc công an và chính quyền địa phương.

Công an viên theo dõi từng khu vực

Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Trưởng Công an TP Nha Trang, nhìn nhận hiện nay việc đăng ký trú ngụ khi du lịch đã được lực lượng chức năng hướng dẫn nhà nghỉ, khách sạn đăng ký qua mạng để thuận tiện cho việc quản lý. Còn ở các nhà dân theo luật vẫn được phép nhưng phải báo cáo cho công an phường, xã. "Công an TP đã yêu cầu các xã bố trí công an viên phụ trách từng khu vực nhỏ để rà soát, kiểm tra, nếu có dấu hiệu bất thường thì báo cáo lên cấp trên để kịp thời xử lý" - thượng tá Kỳ cho biết.

(Theo Người lao động)