Thời gian qua, các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để lừa đảo quy mô lớn. Chẳng hạn liên tục thay đổi, sử dụng số điện thoại rác, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội ảo, nhằm trốn tránh, xoá dấu vết sau khi chiếm đoạt tiền.

Cho dù liên tục được cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn bị mắc lừa, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 

Anh tin 2.jpg
Xây dựng cộng đồng phòng chống lừa đảo là việc cấp bách phải làm (Ảnh: Bình Minh).

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Con số này dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an. Cơ quan chức năng đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng. 

Cũng trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Trong đó, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỷ đồng.

Cách đây ít lâu, Công ty An ninh mạng Singapore Froup-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn. 

Cụ thể, hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh; Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn bất cập, nhất là sự phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lửa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém, sự phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm, chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng 3G, 4G.

Cùng với đó, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng bị thiếu hụt. Vấn nạn SIM rác, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều vướng mắc. Qua rà soát, các kênh bán SIM không chính chủ qua đại lý, các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, dễ dàng tiếp cận với số lượng lớn; nhiều kênh chợ đen buôn bán hàng nghìn tài khoản ngân hàng với giá thấp, chỉ từ 200.000 đồng.

Trong khi đó, hệ thống cơ sở dữ liệu chia sẻ, kết nối thông tin tội phạm vẫn còn bất cập; dữ liệu chưa được chuẩn hóa, còn thiếu quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức trong phòng ngừa từ sớm, thì cũng cần nâng cao sức đề kháng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia môi trường mạng.

Bình Minh