Chơi Tết đã và đang làm một bộ phận dân cư người Việt tự. . . chuyển biến phong tục Tết cố hữu hàng thiên niên kỷ.
Chữ Tết thuộc trong số những từ thuần Việt thông dụng nhất, biểu cảm nhất của ngôn ngữ Việt. Tết là thời gian an nhàn thư thái của cư dân nông nghiệp chân lấm tay bùn cha truyền con nối. Nên ngày xưa, dù nghề nông lam lũ vất vả, các cụ nhà ta vẫn lấy “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Chơi Xuân, chơi tết, hấp dẫn nam phụ lão ấu nhất vẫn là chơi hội. Hầu nhiên làng nào cũng mở, mỗi làng một vẻ.
Đã thong dong vậy, lại có những ngày sum họp gia đình, gia tộc, thân hữu, ngoại trừ gia cảnh neo đơn ngặt nghèo quá, còn đại trà ai cũng cố gắng có mâm cao cỗ đầy so với thường nhật. Trước là cung kính tổ tiên, sau là quây quần ăn tết. Làm cái nghề khó nhọc “trông trời trông nắng trông mưa”,” trông cho chân cứng đá mềm”, “trông”. . . . Lịch sử trung cổ lắm địch họa, đạo tặc nội ngoại xâm mà được rảnh rang an nhàn cả tháng lại có ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, người dân Việt sướng là phải, mong tết là phải! Họ thường mong cho mình cho người, mong cho con cháu gần xa quanh năm vui... như tết.
Giở lại sách vở lịch sử văn hóa, cuối thế kỷ 19, cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim có đoạn nói về cái mặc: “Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải đồ nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người sung túc thì mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi giầy”.
Ảnh: didi.com.vn |
Cái sự mặc liên quan đến bề ngoài, đến sĩ diện của con người mà đại trà ngày xưa người Việt sống thế, ở mức chất lượng thế thì lấy đâu ra những cái tết “ô tô, xe máy như nước” áo quần rực rỡ sắc mầu hàng Tây có, hàng Việt có như "thời a-còng".
Còn nói đến “sự ăn”.
Câu cửa miệng của không ít người thuộc giai tầng trung lưu thời bây giờ là chơi tết chứ không phải ăn tết. Nhất là tết được nghỉ dài ngày như tết con Dê này, không chỉ có trên dưới sáu triệu bà con Việt kiều khắp năm châu bốn biển về sum vầy mà sẽ có thêm, chắc chắn thế, hàng ngàn gia đình khắp cả nước kéo nhau đi chơi Tết nước người.
Như thế thì họ đâu còn quan tâm đến những cái tục thông thường diễn ra ba ngày tết như cúng chiều ba mươi, cúng giao thừa, cúng hóa vàng hay “xông nhà chọn tuổi“, “xông đất lấy may”, hái lộc đêm giao thừa. Họ cũng cho qua luôn lời căn dặn của cổ nhân “mồng một Tết cha mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” v.v…
Hàng chục năm nay, khóa trái cửa đi tết xa nhà đã thành một cái mốt thời thượng nhưng dư luận xã hội cũng không còn khắt khe phê phán. Ai nỡ trách người ta giầu, người ta trẻ, người ta ham du lịch khám phá thế giới, lỡ để ban thờ gia tiên ngày Tết “hương lạnh khói tàn”. Chơi Tết đã và đang làm một bộ phận dân cư người Việt tự. . . chuyển biến phong tục Tết cố hữu hàng thiên niên kỷ.
Chả cứ gì lớp người thuộc bộ phận ở diện trung lưu, ngay đại trà dân Việt thời a-còng, ngay bà con nông dân chân lấm tay bùn thời nào lo “đụng lợn”, lo giã giò, lo nồi bánh chưng thì bây giờ chuyện lo tết cũng có vẻ dửng dưng lắm! Vì sao vậy ? Vì quanh năm chợ làng đại trà miền xuôi có đủ cả rồi, không thiếu thức gì mà ngày xưa chỉ tết mới có, mới được ăn, đầu bảng là thịt lợn giò chả, bánh chưng.
Đặc trưng Tết Việt gói gọn trong câu thành ngữ như câu đối “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ- cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì hỏi thời a-còng còn thứ gì được người Việt quan tâm nữa đây. Quanh năm cái ăn không thiếu, thậm chí dư thừa, quả thật tết thời nay dần mất đi phần nào rôm rả, xôn xao vui như ngày xưa. Nào có xa xôi gì cho cam, mới thời nào bao cấp, vui nhất tết làng ta là ngày hợp tác mổ lợn chia thịt cho xã viên.
Chia định suất đều tăm tắp từ miếng dồi, khúc lòng lợn dài chừng gang tay cho tới nước luộc lòng. Sau khi các ông bố bà mẹ đã cười hể hả bưng lưng lưng rổ rá xương thịt về, mỗi suất nhân khẩu từ ẵm ngửa trở lên bất kể nam phụ lão ấu, được chừng ba bốn lạng gì đó, đến lượt trẻ con các nhà mang bát chiết yêu, mang cạp lồng hay nồi đồng nhỡ, xoong nhôm ra lấy nước xuýt. Có thằng con trai vừa được ông đội trưởng đội sản xuất múc cho vài bát, liền thò ngón tay vớt váng mỡ lòng lợn hay miếng tiết nổi phập phều cho luôn vào miệng, cười như Liên Xô được mùa.
Vui và thương lắm cái thời cả nước cùng nghèo. Dân thường, cán bộ sống đại loại “cá đối bằng đầu” như nhau, không giầu, nghèo, quan, dân, to, nhỏ, cao, thấp, sang, hèn.
Nhà nhà vui. Cả làng vui. Cả nước vui. Niềm vui cộng cảm cộng đồng trong làng ngoài nước một thời giản dị mà sao gắn kết đồng tôn đồng tộc đồng chủng đồng bào người Việt đến thế. Ca từ “nhớ. . . chiều ba mươi Tết đường phố đông vui chờ đón tất niên hướng lên Ba Đình Hà Nội ơi. . .” cho đến nay vẫn lay động ký ức không chỉ riêng ai.
Thế mà giờ đây niềm vui cộng cảm, hòa đồng ngày tết đầu xuân dân tộc hình như phôi pha đi nhiều quá. Mức sống vật chất tiêu dùng của toàn xã hội nâng cao đáng kể so với quá khứ chưa xa lắm. Không mấy ai còn phải chạy cái ăn cái mặc, chạy tết toát mồ hôi. Một bộ phận giầu có đã xem tết là một dịp hiếm hoi xả hơi xả tiền chơi tết là chính, cả gia đình đi chơi tết... xa nhà tốn phí vài chục triệu vài trăm triệu, cũng là chuyện chẳng có gì đáng gọi là hi hữu.
Đời sống vật chất là thế mà sao người ta vẫn “tâm tư”? Hay đấy chỉ là tâm cảm của người cao tuổi, người già ám ảnh quá nhiều chuyện buồn vui thế sự?
- Đào Dục Tú