TP.HCM cần có các sự kiện khuyến mại lớn, thực chất để thu hút du khách trong nước, quốc tế tới mua sắm để tránh tình cảnh người tiêu dùng Việt, đặc biệt là nữ giới, thường sáng mua vé máy bay qua Singapore để mua đồ, chiều lại bay về.
Quan điểm này ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP.HCM, đưa ra tại họp báo về sự kiện khuyến mại hàng hiệu chiều 5/9.
Theo ông Hiếu, để trở thành trung tâm mua sắm của khu vực và cả nước, TP.HCM phải có sự kiện lớn, thu hút được khách du lịch.
Trước đây, người tiêu dùng Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đặc biệt là nữ giới, thường sáng mua vé máy bay qua Singapore để mua đồ, chiều lại bay về nước.
“Tại sao lại như vậy?”, ông Hiếu đặt vấn đề và cho rằng, bởi đảo quốc Singapore có sự kiện khuyến mại lớn. Ở đó, các mặt hàng chất lượng, có thương hiệu được đưa vào các mùa khuyến mại trong năm.
“Người tiêu dùng nhìn là biết ngay sản phẩm đó khuyến mại chứ không phải cái áo có giá 500.000 đồng, nâng lên 800.000 đồng rồi lại nói giảm giá còn 490.000 đồng. Về lâu dài, TP.HCM cần có các sự kiện khuyến mại lớn, thực chất để thu hút du khách trong nước, quốc tế tới mua sắm”, ông Hiếu nói.
Theo đại diện Sở Công Thương, sự kiện khuyến mại hàng hiệu - Flash Sale Holiday tới đây lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, diễn ra trong 3 ngày liên tiếp, từ 8-10/9.
Flash Sale Holiday có hơn 120 thương hiệu tham gia, như: Gucci, Dior, Moschino, Lascoste, Mont Blanc, Hugo Boss, Casio, L’Oreal, Olay... với đa dạng các ngành hàng, được giảm giá sâu, tạo hiệu ứng mua sắm, thu hút khách du lịch. 90% là các mặt hàng là nhãn hiệu quốc tế, được phân phối chính hãng độc quyền tại Việt Nam. Sự kiện mở cửa tự do.
Nói về khó khăn trong lần đầu tổ chức, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các đơn vị phân phối chỉ có khả năng chủ động một phần trong quyết định giá bán. Việc giảm giá ở mức sâu, giảm giá tối đa phụ thuộc lớn vào nhà sản xuất, chủ các thương hiệu.
Các doanh nghiệp này điều chỉnh mức giá bán hàng hiệu trên toàn cầu và họ luôn có chiến lược khuyến mại ở từng thời điểm, từng quốc gia, phù hợp với kế hoạch sản xuất của hãng.
Ngoài ra, các thương hiệu lớn toàn cầu chỉ muốn tìm kiếm các quốc gia có hệ thống phân phối phù hợp, cửa hàng miễn thuế lớn... Do đó, quá trình cơ quan chức năng thuyết phục, đàm phán để doanh nghiệp tham gia chương trình khuyến mại hàng hiệu, là không dễ.
"Tuỳ vào kết quả thu được, Sở Công Thương có thể mở luôn sự kiện tiếp theo vào cuối năm hoặc sang năm. Đây sẽ là sự kiện khuyến mại hàng hiệu thường niên tại TP.HCM", theo ông Phương.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, các chương trình khuyến mại tập trung trên địa bàn đã tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 ước đạt 102.507 tỷ đồng, giảm 3,1% so với tháng trước, nhưng tăng 10,1% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, doanh thu thương mại - dịch vụ ước đạt 764.461 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 452.694 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 23,8%).
Hầu hết các nhóm hàng đều có doanh thu bán lẻ 8 tháng ước tăng khá so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm (tăng 23,4%); may mặc (tăng 6,1%); xăng, dầu các loại (tăng 16,2%)...