Sylvia Nasar – tác giả cuốn “Một tâm hồn đẹp” cho rằng việc Nash chọn Larde làm vợ chứng tỏ sự thông minh của ông còn vượt qua cả tài năng toán học.
Nhà toán học John Nash và vợ Alicia Nash |
John Nash – nhà toán học 86 tuổi, người Mỹ từng nhận giải Nobel Kinh tế và vợ là Alicia Nash vừa qua đời trong một tai nạn xe hơi. John Nash được đánh giá là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ 20 với lý thuyết mang tên “Lý thuyết trò chơi” và các nghiên cứu về hình học vi phân.
Tài năng và cuộc đời John Nash – người phải đấu tranh với căn bệnh tâm thần phân liệt từng là chủ đề cho bộ phim “Một tâm hồn đẹp” – tác phẩm giành giải Oscar cho “Phim hay nhất” do đạo diễn Ron Howard thực hiện.
Câu chuyện về cuộc đời John Nash – chủ nhân giải Nobel Kinh tế - có thể sẽ khắc nghiệt hơn nhiều nếu không có người vợ – Alicia Larde. Sylvia Nasar – tác giả cuốn “Một tâm hồn đẹp” cho rằng việc Nash chọn Larde làm vợ chứng tỏ sự thông minh của ông còn vượt qua cả tài năng toán học. “Chọn một người phụ nữ rất quan trọng với sự sống còn của mình chính là tài năng của Nash”.
Alicia bước vào cuộc đời Nash khi còn là cô sinh viên của MIT, bị hấp dẫn trước vị giáo sư điển trai và thông tuệ. Alicia nhớ về lần đầu tiên bà nhìn thấy Nash. “Tôi bước vào phòng học và thầm nghĩ anh ấy thật điển trai” – bà kể. Trong khi đó, vị giảng viên trẻ cũng có chú ý tới cô sinh viên nhưng có phần ít háo hức hơn. Tuy nhiên, sau này John thừa nhận rằng: “Cô ấy là một trong số ít cô gái thu hút sự chú ý của tôi”.
Alicia lúc đó xinh đẹp nổi bật, ăn mặc gọn gàng và nữ tính. Cô mặc một chiếc áo kết hợp cùng chân váy và đi giày cao gót. Cô thông minh, theo chủ nghĩa quốc tế, dí dỏm và hiểu biết xã hội. Theo tác giả Sylvia Nash, Joyce Davis – một bạn cùng lớp của Alicia đã miêu tả cô như “một công chúa người El Salvadoran với phong thái rất quý tộc”.
Alicia Nash sở hữu ngoại hình xinh đẹp nổi bật |
Đại gia đình Alicia thuộc dòng dõi quý tộc. Gia đình cô nói tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Tây Ban Nha. Họ đi du lịch nước ngoài và sống một cuộc sống hoàn hảo trong một căn biệt thự đẹp gần trung tâm San Salvador, thủ đô của El Salvador.
Cuộc sống xa hoa này sụp đổ khi bố của Alicia – một bác sĩ – quyết định rời quê hương, tới Mỹ vào năm 1944. Cả gia đình cô đi theo, ban đầu họ định cư ở Biloxi, Mississippi, sau đó tới New York.
Theo tài liệu của đại sứ quán El Salvador tại Mỹ thì Alicia sau đó theo học trường Marymount – một trường Công giáo dành cho nữ sinh. Cha của Alicia rất thích thú với ước mơ thời thơ ấu của con gái là trở thành một Marie Curie thứ hai, nên ông đã viết thư cho thầy giáo đề nghị giúp đỡ con gái ông nhận ra khát vọng trở thành một nhà khoa học hạt nhân. Và Alicia đã làm tốt việc đó, cô trở thành một trong 16 nữ sinh trúng tuyển MIT năm học 1955.
John và Alicia gặp nhau ở lớp học Giải tích nâng cao dành cho các kỹ sư, nhưng họ chỉ thành một cặp sau khi Nash gặp Alicia ở thư viện nhạc của trường – nơi mà cô làm việc. Tác giả Nasar cho biết, cả hai đã có nhiều sở thích chung ngoài sự hấp dẫn với người kia. Cả hai đều gần gũi với mẹ, đều lớn lên trong những gia đình quý tộc, có học thức, đề cao nền tảng giáo dục. Những chia sẻ và hấp dẫn đó đưa họ đến với nhau vào năm 1957 bằng một đám cưới.
Sau khi John đột nhiên mắc chứng tâm thần phân liệt, Alicia đã cố giấu bạn bè và đồng nghiệp về những gì đang xảy ra. “Alicia muốn cứu sự nghiệp và bảo toàn trí tuệ của chồng” – một người bạn nhớ lại. “Chính sự quan tâm chăm sóc của Alicia đã giúp Nash phục hồi nguyên vẹn”. Chính cô, lúc đó đang mang thai, đã cưỡng chế chồng tới Bệnh viện McLean, bên ngoài Boston – một việc mà Nash phản đối quyết liệt.
“Tôi đã cố gắng duy trì tích cực nhiều nhất có thể” – Alicia nhớ lại. “Và tôi thực sự cố gắng để không cảm thấy thương hại chính bản thân mình”.
Alicia Nash và con trai |
Sau 3 năm gia đình hỗn loạn, Alicia nộp đơn ly hôn – một chi tiết mà bộ phim về cuộc đời Nash đã bỏ qua. Với sự giúp đỡ của mẹ, Alicia một mình nuôi dạy cậu con trai. Năm 1970, một thập kỷ sau khi ly hôn, lúc này với căn bệnh tâm thần phân liệt, Nash chỉ đang nỗ lực để duy trì sự sống, Alicia đã đưa chồng cũ về nhà cô, không phải để làm chồng mà như cô nói là để làm “học sinh nội trú” của cô.
“Người ta nói rằng rất nhiều người bị bỏ lại trong các phòng bệnh phía sau bệnh viện tâm thần” – Alicia nói về quyết định đưa Nash về nhà. “Và những cơ hội vốn đã ít ỏi của họ cũng sẽ không còn nữa. Họ chỉ còn cách là kết thúc cuộc đời ở đó. Đó là một trong những lý do mà tôi nói rằng ‘Chà, tôi có thể mang anh trở lại’”.
“Nếu bà ấy không đưa Nash đi, có thể ông sẽ bị thương trên các con phố” – tác giả Nasar nói. “Ông ấy không có thu nhập, không có nhà cửa. Tôi cho là Alicia đã cứu cuộc đời ông”.
Những năm 80, John dần hồi phục và năm 1994, ông nhận giải Nobel Kinh tế nhờ vào “Lý thuyết trò chơi” mà ông đã hoàn thành khi còn trẻ. Mùa xuân năm 2001, Alicia và John tái hôn sau 38 năm ly hôn.
“Chúng tôi nghĩ rằng đó là một ý hay” – Alicia chia sẻ khá đơn giản. “Sau mọi chuyện, chúng tôi lại cùng nhau đi hết cuộc đời”.
- Nguyễn Thảo (dịch)