Một tuần sau ngày khai giảng, Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP.HCM) đã bị đình chỉ 90 ngày để đoàn Thanh tra của quận Tân Bình làm việc tại nhà trường từ đơn phản ánh của phụ huynh về nhiều vấn đề liên quan đến tài chính.

Trước đó, ngày 30/6, do quá bức xúc về nhiều khoản thu chi chưa minh bạch, một nhóm phụ huynh của nhà trường đã tổ chức giăng băng rôn ngay giữa sân, yêu cầu hiệu trưởng công khai tài chính.

Cũng ngay đầu năm học mới, Trường THCS Bình Chánh phải trả lại khoản thu 40.000 đồng ghế ngồi cho mỗi học sinh lớp 6 đã thu trước đó. Dù đây là khoản “phụ huynh đề xuất”, nhưng lại có mộc đỏ của trường đóng vào giấy trắng mực đen...

Đến thời điểm hiện tại, ở nhiều trường học vẫn đang “âm thầm” diễn ra tình trạng phụ huynh “tự nguyện” đóng góp đầu năm, mà những khoản “tự nguyện” thường có đầu mối từ các Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp chứ không hề xuất hiện trên bất kỳ một văn bản công khai nào của nhà trường.

Có quy định nhưng chẳng mấy ai làm

Có không ít ý kiến đề xuất các Sở GD-ĐT, các trường học phải công khai tất cả các khoản thu, khoản đóng góp lên website và thông báo rộng rãi tới phụ huynh.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách đây 3 năm, ngày 28/12/2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. 

{keywords}
Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở TP.HCM bị đình chỉ 3 tháng vì liên quan tới thu chi

Các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy chế này quy định về các nội dung công khai đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Các nội dung này bao gồm công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, thu chi tài chính.

Theo đó, các trường phải công khai những nội dung liên quan đến tài chính như: Tình hình tài chính của cơ sở giáo dục; Học phí và các khoản thu khác từ người học (mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo); Các khoản chi theo từng năm học (chi lương, bồi dưỡng chuyên môn, hội họp, hội thảo, chi tham quan học tập trong nước và nước ngoài); Mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý (mức cao nhất, bình quân và thấp nhất); Mức chi thường xuyên/1 học sinh; Chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị; Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hằng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí đối với người học thuộc diện được hưởng chính sách xã hội; Kết quả kiểm toán (nếu có).

Dù Quy chế đã có hiệu lực thi hành từ lâu, nhưng nếu có làm, các nhà trường chỉ thực hiện một vài đầu mục, còn chủ yếu là thông báo những khoản thu trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học. Trên website, nội dung công khai tài chính, dù chỉ là các khoản thu, rất hiếm có.

Công khai lên website: Không có gì phải bàn cãi

Vào đầu năm học mới, hầu hết các địa phương vẫn ban hành các văn bản liên quan đến thu chi, nhưng chủ yếu đề cập tới học phí và các khoản thu hộ. Với các khoản tự nguyện chỉ là sự nhắc nhở chung chung.

Rất hiếm địa phương làm như Sở GD-ĐT Khánh Hòa. Trước ngày khai giảng, địa phương này có văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các khoản thu của học sinh trong năm học 2020-2021.

Trong đó, các trường phải công khai các khoản thu trên bảng tin, website của đơn vị và thông báo đến từng phụ huynh, học sinh. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Điều đặc biệt trong văn bản của Khánh Hòa là yêu cầu cụ thể các đơn vị công lập thực hiện đồng phục học sinh theo kiểu truyền thống (quần hoặc váy xanh, áo trắng), không triển khai đồng phục riêng cho từng trường, không gắn cà vạt, viền tay áo, cổ áo, cầu vai khác màu... Các cơ sở giáo dục không tổ chức các dịch vụ may, bán quần áo học sinh dưới bất cứ hình thức nào. Nếu trường nào có quy định thêm về bảng tên, phù hiệu (logo) thì có thể đặt hàng giúp cho học sinh theo đúng giá thị trường.

Ngoài ra, các trường không tổ chức bán sách giáo khoa, vở học sinh, dụng cụ học tập của học sinh trong nhà trường. Trường học thông báo công khai và hướng dẫn phụ huynh học sinh tự mua sắm sách giáo khoa và các vật dụng, trong đó lưu ý việc sử dụng sách giáo khoa cũ (từ lớp 2 trở lên) để tiết kiệm.

{keywords}
Hội phụ huynh đề xuất thu tiền ghế ngồi nhưng nhà trường phát hành phiếu thu có mộc đỏ của nhà trường

Một đại diện Sở GD-ĐT Khánh Hòa cho hay “Việc các trường phải công khai tất cả các khoản thu lên website là điều tất yếu, không có gì phải lăn tăn, bàn cãi”.

Không xuất phát từ tâm, công khai cũng chỉ là hình thức?

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng thực tế các trường đều làm đúng chỉ đạo của Sở, Phòng về các khoản thu theo quy định. Nhưng ngoài ra còn có các khoản thu hộ, chi hộ tùy từng trường như tiền phù hiệu, sổ liên lạc, nước uống, vệ sinh, bảo trì…

“Khi thu chắc chắn các trường đã làm việc trước với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Các trường hầu hết gửi phiếu báo, thậm chí nhắn tin cho phụ huynh” – ông Phú giải thích.

Tuy nhiên, ông Phú nhấn mạnh, với tất cả các khoản thu các trường phải làm một cách phù hợp, đặc biệt là giá cả các dịch vụ.

“Những khoản như thẻ học sinh, phù hiệu, logo… phải hợp tình hợp lý, giá cả khách quan theo mặt bằng chung, tránh tình trạng nơi 10.000 đồng, nơi lại 15.000 đồng hay có nơi tới 30.000 đồng. Những thứ này dù nhỏ nhưng sẽ lấy được sự tin tưởng của phụ huynh và thấy được cái tình của nhà trường”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) khẳng định “dẫu có công khai mà những khoản thu không minh bạch, không xuất phát từ tâm của cán bộ quản lý giáo dục cơ sở thì vẫn chưa giải quyết rốt ráo được gốc rễ của vấn đề”.

Theo ông Chương, tình trạng lạm thu rải rác ở mọi cấp học. Tuy nhiên, hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở bậc mầm non và tiểu học.

“Một đồng nghiệp của tôi nói con ông vừa nộp quỹ lớp 1 triệu đồng. Khoản này chắc chắn không trường nào công khai trên web mà là sự “tự nguyện”. Phụ huynh thôi thì cứ ném đi sự không vừa lòng mà cho qua”.

Bày tỏ sự đồng tình với việc đình chỉ hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, ông Chương nhận định đây là việc “lâu nay nói rất nhiều nhưng chưa từng làm vậy”.

“Cho nên Bộ, Sở phải có văn bản chấn chỉnh, “đánh” mạnh vào hiệu trưởng. Việc thu chi đầu năm còn là cái tâm của ông thầy, đặc biệt là hiệu trưởng. Một hiệu trưởng công tâm, minh bạch, có mục tiêu trong sáng thì có công khai thế nào cũng sẽ không gặp vấn đề gì” – ông Chương nhấn mạnh.

Hoàng Văn – Chi Mai

Phụ huynh lại dậy sóng khi 'mùa' thu tiền tự nguyện bắt đầu

Phụ huynh lại dậy sóng khi 'mùa' thu tiền tự nguyện bắt đầu

Cuối tuần này, các cuộc họp phụ huynh đã diễn ra ở nhiều trường học trong cả nước. Mùa đóng tiền “tự nguyện” lại xuất hiện những khoản thu có quen, có lạ nhưng hầu như phụ huynh không thể chối từ.

'Lạm thu' đang xâm phạm những giá trị cốt lõi của giáo dục

'Lạm thu' đang xâm phạm những giá trị cốt lõi của giáo dục

Những khoản thu “tự nguyện bởi không thể từ chối” đã gây ra những hệ lụy với môi trường giáo dục công lập, khắc sâu thêm xu hướng phân hóa xã hội về thu nhập và mức sống, đẩy nhiều gia đình vào tình thế khó xử...

Đình chỉ 1 hiệu trưởng ở TP.HCM để thanh tra thu-chi

Đình chỉ 1 hiệu trưởng ở TP.HCM để thanh tra thu-chi

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến bị đình chỉ công tác hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong 90 ngày để phục vụ thanh tra các khoản thu, chi của trường trong nhiều năm qua.