Mỹ phẩm - ngành sản xuất đầy tiềm năng
Nếu như thị trường mỹ phẩm Việt Nam trước đây chỉ là sân chơi cho các thương hiệu ngoại nhập, thì trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước cũng đã bắt đầu được khách hàng yêu thích và lựa chọn nhiều hơn.
Làn sóng mỹ phẩm nội địa bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ theo từng năm, kéo theo đó là nhu cầu tìm kiếm, tuyển dụng nhân sự phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất mỹ phẩm trong nước cũng tăng lên.
Tại Việt Nam, hiện mới chỉ có trường Đại học Nông Lâm TP.HCM có chuyên ngành Hóa Mỹ Phẩm, một số trường đại học khác như Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Đà Nẵng… có chuyên ngành Dược Mỹ Phẩm. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến kỹ thuật hóa học, sinh học, y tế, dược phẩm đều có khả năng làm việc trong ngành nghiên cứu, điều chế, sản xuất mỹ phẩm.
Phát triển nhân sự đi đôi với quy mô doanh nghiệp
Là thương hiệu đầu tư nhà máy đạt tiêu chuẩn CGMP - tiêu chuẩn do Ủy ban Mỹ phẩm ASEAN ban hành, Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Thiên nhiên Cỏ Mềm chính là một trong những điểm đến thu hút nguồn nhân sự chất lượng, có chuyên môn cao trong ngành nghiên cứu và sản xuất mỹ phẩm.
Theo Cỏ Mềm, 80% nhân sự của nhà máy là dược sĩ chuyên nghiệp, có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và nhiều người trong số đó đã gắn bó với nhà máy từ ngày đầu thành lập.
Bà Trịnh Đặng Thuận Thảo là Giám đốc sáng lập của thương hiệu cũng đồng thời là Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Phát triển. Bà Thảo là dược sĩ tốt nghiệp cao học Đại học Strasbourg, Louis Pasteur, Pháp, quyết tâm trở về Việt Nam để sử dụng những kiến thức của mình phục vụ quá trình nghiên cứu, điều chế ra những công thức làm đẹp lành tính, hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn dược liệu quý trong nước và giảm thiểu những tác hại tiêu cực tới môi trường.
Đại diện Cỏ Mềm cho biết, với nhà máy gồm 7 phòng ban, nhiều máy móc thiết bị hiện đại, quy trình sản xuất chuyên nghiệp, khép kín, Cỏ Mềm luôn đặt tiêu chuẩn cao trong khâu tuyển dụng để đảm bảo chất lượng từ nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra. Hiện nay, nhà máy có tổng gần 100 cán bộ nhân viên. Trong đó 22% nhân sự có trình độ Thạc sĩ, đại học trở lên. 53% nhân sự có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trở lên và 25% nhân sự là lao động phổ thông.
Các cán bộ cốt cán, vị trí làm việc của nhà máy đều là người có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo trong các ngành Dược học, Công nghệ dược phẩm, Bào chế, Công nghệ sinh học,...
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự Cỏ Mềm - cho biết: “Cỏ Mềm luôn hướng đến việc lựa chọn những bạn ứng viên có kỹ năng chuyên môn tốt, kinh nghiệm và trải nghiệm sống phong phú, sâu sắc, nhưng hơn hết vẫn là những bạn có tinh thần thái độ tích cực, không ngại khó, ham học hỏi và đặc biệt là chân thành chính trực và phù hợp với văn hóa chung của Cỏ Mềm”.
Con người là yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu
Nhờ chú trọng phát triển và đào tạo nhân sự, Cỏ Mềm đã thành công phát triển sau hành trình 8 năm, tăng công suất nhà máy lên tới 500.000 sản phẩm mỗi tháng, phục vụ cho chuỗi 43 cửa hàng phân phối độc quyền khắp cả nước.
Đại diện công ty nhấn mạnh, đội ngũ nhân viên từ khâu sản xuất đến khâu bán hàng, chăm sóc khách hàng của Cỏ Mềm đều là những đại sứ giúp lan tỏa giá trị “Lành & Thật” đến đông đảo khách hàng, giành được niềm tin và nâng cao doanh số.
Với ưu thế chuyên môn cao cùng kinh nghiệm thấu hiểu nguồn dược liệu bản địa, Cỏ Mềm cũng là thương hiệu tiên phong nghiên cứu, ứng dụng thành công hoạt chất chống lão hóa từ Sâm Lai Châu vào dòng mỹ phẩm Sâm 1700.
Nhân dịp kỷ niệm 8 năm thành lập thương hiệu, Cỏ Mềm đã lựa chọn Kem dưỡng ẩm Sâm 1700 và Kem dưỡng mắt Sâm 1700 cho bộ quà tặng “Cỏ Mềm 8 năm vươn xa” với thiết kế bao bì trang nhã, kèm một bình giữ nhiệt in logo. Đây là một trong số nhiều chương trình quà tặng, ưu đãi và khuyến mãi mà thương hiệu uy tín này áp dụng để tri ân các khách hàng, cũng như để tiếp tục giới thiệu các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên đến với người tiêu dùng Việt Nam.
Lệ Thanh