Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học về An toàn, an ninh thông tin lần thứ nhất (SoIS 2016) do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) phối hợp cùng Học viện Kỹ thuật mật mã tổ chức tại Hà Nội chiều 28/11 đều thống nhất rằng, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quyết định sự thành công của công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện KTMM, nhấn mạnh, an toàn, bảo mật thông tin luôn đóng vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, kể cả VN. Công tác an toàn, bảo mật thông tin không chỉ góp phần mang lại chiến thắng cho dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước, mà còn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện KTMM phát biểu tại hội thảo. |
Trong kỷ nguyên số hóa và hội nhập hiện nay, công tác đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin luôn phải đối mặt với những thách thức ngày càng khó khăn, phức tạp. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, ngày 14/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 99 "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020" nhằm đáp ứng nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho khu vực kinh tế, xã hội.
Trọng tâm của đề án 99 là "xây dựng một số cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT có chất lượng tương đương các nước trong khu vực với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đạt trình độ quốc tế, chương trình, nội dung đào tạo tiên tiến, hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu". Đề án đã lựa chọn được 8 cơ sở đào tạo trọng điểm triển khai.
Tháng 3/2016, dưới sự chủ trì của của Bộ TT&TT, 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong ATANTT nhằm phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị. Hội thảo ATANTT hàng năm là một trong những nội dung đã được các trường thống nhất đưa vào nội dung bản ghi nhớ. Mục tiêu xây dựng hội thảo trở thành hội thảo quốc gia thường niên về ATANTT và trong tương lai gần trở thành hội thảo quốc tế, quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đến chia sẻ kinh nghiệm và thành tựu mới về ATANTT ở Việt Nam và thế giới.
Thiếu tượng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ. |
Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban cơ yếu chính phủ, cũng chia sẻ quan điểm cho rằng, Hội thảo ATANTT là một sự kiện quan trọng trong việc thực hiện đề án 99, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia về ATANTT đã được thủ tướng phê duyệt. Theo ông, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin và truyền thông đã mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Song, nó cũng làm nảy sinh những hiểm họa liên quan đến tội phạm mạng, tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng và chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu. Trước thực tế đó, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm và ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin, trong đó phải kể đến Luật an toàn thông tin mạng do Bộ TT&TT chủ trì và có sự tham gia của Ban cơ yếu chính phủ.
Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn cho biết, Ban cơ yếu chính phủ và Bộ TT&TT đang phối hợp triển khai các nội dung của Luật an toàn thông tin mạng, các nghị định dưới luật cũng như triển khai chính phủ điện tử, kỹ thuật số, ... Ông tin tưởng rằng, cùng với sự ra đời của Luật an toàn thông tin mạng, đề án 99 sẽ có đóng góp quan trọng trong đào tạo ra các chuyên gia ANATTT chất lượng cao; đồng thời tạo dựng nên nền công nghiệp ATTT của VN, trong đó có nhiều sản phẩm về ATTT của VN, do VN sản xuất, tiếp cận với trình độ quốc tế, góp phần giải quyết tốt các vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ công cuộc bảo vệ tổ quốc, triển khai chính phủ điện tử trong thời gian tới.
|
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục phó Cục ATTT (Bộ TT&TT), đơn vị thường trực của Ban điều hành đề án 99. |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục phó Cục ATTT, đơn vị thường trực của Ban điều hành đề án 99, một lần nữa đã nêu bật tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin trong bối cảnh hiện nay. Ông cho biết, ngay tại hội nghị "Internet và an toàn không gian mạng thế giới" diễn ra tại Trung Quốc cách đây 2 tuần, hơn 1.200 chuyên gia và nhà quản lý của 40 nước trên thế giới cũng nhất trí rằng, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong 3 nhóm yếu tố quan trọng nhất đối với bảo đảm ATANTT theo cả các cách truyền thống và phi truyền thống, gồm con người, quy trình và công nghệ, trang thiết bị.
Trong khu vực, VN hiện là một trong những nước có kế hoạch quản lý riêng cho việc phát triển nguồn nhân nhân lực ANATT. Sau VN, Nhật cũng vừa ban hành kế hoạch tượng tự đến năm 2020, trong khi Singapore mới thực hiện điều này vào tháng 6 vừa qua.
Theo ông Dũng, việc triển khai đề án 99 cần nhấn mạnh 2 nhiệm vụ: Trước hết, chúng ta phải tổ chức tiến hành đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ANATTT để đáp ứng nhu cầu XH trong hiện tại và tương lai, cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực chuyển giao và từng bước làm chủ công nghệ các sản phẩm, giải pháp về ANATT cho những hệ thống thông tin quan trọng.
Lãnh đạo cục ATTT hy vọng, hội thảo SoIS 2016 sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm giúp cho các cơ sở đào tạo trọng điểm về ANATTT nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Dự kiến, trong 2 ngày diễn ra hội thảo SoIS lần thứ nhất (28-29/11), các đại biểu sẽ lắng nghe hơn 20 báo cáo khoa học của các chuyên gia trong và ngoài nước, tập trung vào 4 nhóm nội dung chính: mật mã ứng dụng; an toàn ứng dụng; an toàn, an ninh mạng và quản lý về đào tạo ATANTT.
Tuấn Anh