Mô hình kinh doanh của YouTube xoay quanh mối quan hệ 4 bên: người dùng, nhà sáng tạo nội dung (chủ kênh), nhà quảng cáo (các nhãn hàng) và chính YouTube. Theo đó, người dùng sẽ xem các video được đăng tải bởi chủ kênh, các nhãn hàng đặt quảng cáo trên các video đáp ứng tiêu chí. Doanh thu quảng cáo sẽ được YouTube ăn chia với chủ kênh.
Để bảo vệ mối quan hệ trên, YouTube đưa ra chính sách bản quyền khá chi tiết để bảo vệ chủ sở hữu nội dung. Mạng xã hội này thường có những đợt truy quét bản quyền được cho là rất gắt gao. Trên danh nghĩa, hoạt động này thể hiện YouTube là công ty tôn trọng bản quyền. Tuy nhiên, thực tế việc "quét bản quyền" cũng là một nguồn doanh thu "vô hình" mà YouTube nhận được.
Nói một cách đơn giản, trong mối quan hệ 4 bên nói trên, YouTube luôn đắc lợi, và nhãn hàng có thể là bên chịu thiệt thòi khi vẫn phải trả tiền cho những quảng cáo hiển thị trên các video độc hại hoặc vi phạm bản quyền.
Google cắt tiền các kênh vi phạm bản quyền, nhưng cũng không trả lại cho nhà quảng cáo
Tại Việt Nam, cộng đồng những YouTuber tạo các kênh vi phạm bản quyền để thu lợi vẫn rất lớn. Những kênh YouTube này thường được biết tới với tên gọi "re-up" (đăng lại).
Theo đó, người làm re-up sẽ mua lại các kênh YouTube đã đủ điều kiện bật kiếm tiền. Sau đó, các kênh này sẽ đăng tải các nội dung vi phạm bản quyền và được hiển thị quảng cáo trên đó.
"Nội dung vi phạm bản quyền thường thu hút số lượt xem rất lớn bởi nội dung đa dạng, thú vị. Nhiều kênh có thể đặt hàng triệu lượt xem cho một video chỉ sau vài ngày. Mỗi kênh như vậy chỉ cần tồn tại vài tháng, người làm re-up đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng", Quốc Cường, nhà sáng tạo nội dung trên YouTube tại TP.HCM cho biết.
Dĩ nhiên, kênh YouTube re-up có thể bị quét bản quyền bất cứ lúc nào. YouTube sẽ đưa ra 2 lựa chọn cho chủ sở hữu bản quyền: yêu cầu bên vi phạm chia doanh thu hoặc xóa video.
Ở trường hợp thứ 2, toàn bộ số tiền mà nhà quảng cáo trả cho YouTube sẽ được mạng xã hội này lấy trọn. Một số trường hợp, chủ kênh re-up sẽ gửi kháng nghị cho YouTube. Đôi lúc, YouTube tiếp tục chia doanh thu cho các kênh vi phạm bản quyền nếu kháng nghị thành công.
Google không cần phải chia sẻ doanh thu với những video vi phạm bản quyền bị xóa. Ảnh: Getty. |
Việc bắt bản quyền các video re-up là một trong những nỗ lực của YouTube để làm sạch nền tảng. Thế nhưng, nổ lực này chưa thật sự hiệu quả. Thậm chí, video re-up còn tạo ra cho YouTube một nguồn thu vô hình khổng lồ.
Theo ông Ngô Thế Quân, chuyên gia digital marketing tại Hà Nội, chi phí quảng cáo mà các nhãn hàng phải trả sẽ phụ thuộc lượt tiếp cận, số lần bấm vào, đơn hàng bán được… "Thông thường, khi nhắm đối tượng khách hàng, nhà quảng cáo sẽ xóa các lựa chọn chủ đề liên quan đến chính trị, bạo lực, cờ bạc… Tuy nhiên, không có tùy chọn tránh hiển thị trên nội dung vi phạm bản quyền", ông Quân cho biết.
Theo chia sẻ từ các nhà quảng cáo, từ trước đến nay, chưa có tiền lệ YouTube trả lại tiền đối với các lượt hiển thị trên nội dung vi phạm bản quyền.
“Nếu một quảng cáo được hiển thị trên video, đã có người xem, lượt bấm vào, Google đã tính tiền quảng cáo đó. Nếu vi phạm bản quyền, video bị YouTube gỡ, Google cũng không trả lại tiền quảng cáo”, ông Nguyễn Tân, người phụ trách mảng quảng cáo số của một hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam cho biết.
Điều này đồng nghĩa các thương hiệu sẽ phải trả tiền và chấp nhận việc hình ảnh doanh nghiệp gắn trên các nội dung vi phạm bản quyền.
YouTube truy quét bản quyền trước ngày thanh toán cho chủ kênh
Trong các hội nhóm chuyên làm nội dung re-up, câu chuyện về việc YouTube truy quét bản quyền trước ngày thanh toán doanh thu trong tháng để không phải chia tiền cho chủ kênh không còn quá xa lạ.
YouTube thường truy quét bản quyền, tắt kiếm tiền trước ngày thanh toán doanh thu. |
Theo ông Quan Tiến Dũng, người sở hữu hàng loạt kênh trên 1 triệu lượt đăng ký, nền tảng này thường quét video vi phạm bản quyền vào ngày khoảng ngày 4-6 hàng tháng. Trong khi đó, ngày 7 mỗi tháng là thời điểm tổng kết doanh thu của các kênh YouTube.
“Các kênh chuyên re-up sẽ bị YouTube tắt kiếm tiền trước ngày tổng kết. Do vậy, Google Adsense sẽ không thanh toán doanh thu từ quảng cáo mà kênh kiếm được trong tháng. Trong khi, nhà quảng cáo vẫn phải trả tiền cho YouTube”, ông Quan Tiến Dũng chia sẻ.
Đánh bản quyền các kênh có nội dung vi phạm theo tiêu chuẩn nền tảng là việc làm đúng. Tuy nhiên, theo chia sẻ của giới làm YouTube, hành động truy quét trước ngày thanh toán để tắt kiếm tiền có dấu hiệu của việc trục lợi từ nội dung vi phạm bản quyền. Điều này thể hiện qua việc nội dung vi phạm bản quyền vẫn xuất hiện khắp YouTube Việt. “Rủi ro của làm kênh re-up là bị YouTube quét. Tuy vậy, tỷ lệ rủi vẫn ở mức chấp nhận. Chừng nào người làm re-up vẫn có thể kiếm tiền, nội dung vi phạm bản quyền sẽ vẫn còn trên YouTube", ông Hoàng Huy, chủ hàng loạt kênh re-up tại Hà Nội chia sẻ.
Trong mối quan hệ 4 bên của YouTube, mạng xã hội này sẽ luôn được lợi. Ảnh: Getty. |
YouTube sử dụng hệ thống Content ID để truy quét nội dung vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, một số kênh re-up vẫn có tỉ lệ "sống sót" qua các đợt truy quét bản quyền của nền tảng. Theo chia sẻ của ông Quan Tiến Dũng, cùng một nội dung vi phạm được đăng tải, một số video bị bắt bản quyền, nhưng cũng có kênh vượt qua được kiểm duyệt YouTube và kiếm được tiền.
"Tỷ lệ chính xác thì khó để tính toán. Tùy giai đoạn sẽ có số lượng kênh 'sống' khác nhau. Tuy nhiên, hiện Google vẫn chưa diệt sạch video re-up và gián tiếp kiếm được một khoản doanh thu lớn từ đây", ông Tiến Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, cách YouTube duyệt kháng nghị của các kênh re-up cũng tồn tại nhiều bất cập. “Google thường tắt kiếm tiền, bắt bản quyền kênh YouTube trước ngày chia doanh thu. Nền tảng này cho chủ kênh 28 ngày để kháng cáo, xét duyệt số tiền doanh thu. Nếu may mắn, kênh YouTube dù vi phạm vẫn sẽ được thống kê doanh thu trở lại sau 50 ngày”, ông Nguyễn Văn Quốc, YouTuber sống tại TP.HCM với nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ với Zing.
"Trong tất cả trường hợp, việc YouTube để lọt nội dung re-up cho thấy sự yếu kém của nền tảng. Có thể do máy học của họ đã quá tải, cũng có thể họ ngó lơ để kiếm thêm doanh thu. Đến cuối cùng, người chịu thiệt vẫn là các nhà quảng cáo và hơn hết là người sáng tạo nội dung bị vi phạm bản quyền", ông Dũng kết luận.
(Theo Zing)
Content ID là gì mà khiến BH Media có thể đánh dấu bản quyền Quốc ca trên YouTube?
Sử dụng “vũ khí” Content ID, BH Media đã đánh dấu bản quyền của nhiều ca khúc, video, thậm chí cả Quốc ca. Vậy Content ID là gì và nó lợi hại như thế nào?