“Một lô đất tại khu đô thị Ngọc Dương cách đây mấy ngày em nhận cọc với mức giá 2,7 tỉ đồng, hôm nay đã có người trả 3,1 tỉ. Đất mặt tiền đường 27 m thông ra biển hôm qua 4,6 tỉ/lô, hôm nay lên 4,7 tỉ rồi”. Đó là những lời có cánh mà nhân viên môi giới mời gọi chúng tôi mua đất tại khu vực thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.
Người người làm cò đất
Trong vai nhà đầu tư, chúng tôi ghé vào kiốt bất động sản (BĐS) tại khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Nhân viên tên Th. vui vẻ giới thiệu rất nhiều lô đất cùng khả năng sinh lời hấp dẫn.
Th. vốn làm dịch vụ photocopy nhưng thấy thị trường đất đai nóng bỏng nên quyết tâm đổi nghề. Th. kể nhiều câu chuyện khiến chúng tôi bất ngờ. Cậu nói: “Bạn bè em học hành ra đi làm cò đất hết. Riêng khu đô thị này có ít nhất 30 cò cùng làm. Có bác 65 tuổi cũng đi làm cò, rồi một cô phó hiệu trưởng trường cấp II thấy làm ngon lành cũng rủ cả hiệu trưởng làm cò luôn”.
Ng., một sinh viên mới ra trường, thì chia sẻ chỉ cần lân la các khu vực sốt đất là sẽ có người nhờ rao bán đất. “Mình chịu khó rao trên Facebook, có người hỏi mua thì dẫn đi gặp chủ đất rồi lấy tiền hoa hồng” - Ng. nói. Sau một năm “cày cuốc” trên Facebook, Ng. đã có tiền phụ gia đình xây nhà mới.
Người người, nhà nhà đổ xô làm cò đất, đi tới các hàng quán ở Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ nghe bàn chuyện đất đai là nhiều. Giới cò đất “cá mập” tranh thủ cơ hội liên tục đẩy giá lên cao. Đến mức bây giờ có trong tay 2 tỉ đồng cũng khó mà mua được “hàng ngon”.
Theo ghi nhận, giá đất tại khu đô thị Ngân Câu - Ngân Giang đang dao động ở mức 20-25 triệu đồng/m2; khu dân cư Chợ Mới Điện Dương trước Tết chỉ khoảng 12-14 triệu đồng/m2, nay tăng lên gần 20 triệu đồng/m2; giá đất khu dân cư Làng Chài An Bàng (TP Hội An) cũng cao chót vót 25-30 triệu đồng/m2. Đặc biệt, khu dân cư dành cho người có thu nhập thấp phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ từ đầu năm 2016 đến nay giá đất đã tăng gấp 4-5 lần. Trong khi đó tại Đà Nẵng, nóng nhất vẫn là khu đô thị Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và khu đô thị Golden Hills (quận Liên Chiểu). Nếu cuối năm 2018 mức giá tại đây 2-3 tỉ đồng/lô, nay đã lên đến ngưỡng 4 tỉ đồng.
Giá đất tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đang được chào bán với mức thấp nhất là 20 triệu đồng/m2. Ảnh: TẤN VIỆT |
Bong bóng đã xuất hiện
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng đã nhiều lần cảnh báo người dân về tình trạng sốt đất, đồng thời đăng tải nhiều thông tin liên quan pháp lý các dự án khu đô thị, chung cư, nhà ở hình thành trong tương lai được phép mua bán, chuyển nhượng lên website của đơn vị để người dân biết rõ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Thái, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, khẳng định đang có hiện tượng bong bóng BĐS. Theo ông Thái, nhu cầu người mua đất làm nhà ở hầu như không có. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, xử lý các kiốt có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BĐS. Sở này cũng sẽ quản lý chặt cá nhân môi giới BĐS để khống chế tình trạng sốt giá đất.
Ông Thái khuyến cáo người dân không nên hùa theo đám đông, nếu có nhu cầu thực sự phải tìm những dự án uy tín. “Hiện nay những dự án đã được tỉnh phê duyệt, lập bản đồ quy hoạch 1/500 đã có trên cổng thông tin của Sở. Người dân nên truy cập vào website để tìm hiểu” - ông Thái nói.
Một lãnh đạo thị xã Điện Bàn cũng cho biết phường sẽ tăng cường công tác quản lý về mua bán đất đai. “Người mua nên chọn những lô đất có đầy đủ pháp lý để tránh rủi ro. Đối với những trường hợp mua đất theo giao dịch dân sự, khi có tranh chấp mà không đủ điều kiện pháp lý thì pháp luật khó bảo vệ” - vị này cảnh báo.
Trước tình trạng cò đất náo loạn từ thành thị đến nông thôn, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, lưu ý việc tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch phân khu và quy hoạch chung đô thị. Người dân không nên tin lời nói miệng của người môi giới về khả năng hợp thức hóa đất đai.
Tất yếu bong bóng sẽ vỡ
Trả lời cho câu hỏi: “Phải chăng nên có khung pháp lý mới để quản lý BĐS hiện nay?”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng BĐS Việt Nam là thị trường mới, còn những yếu tố non nớt, thể hiện sự thiếu kinh nghiệm. Hệ thống luật cần phải bổ sung, điều chỉnh dần cho phù hợp với thời cuộc.
“Nguyên lý kinh tế của BĐS là giá trị BĐS sẽ tăng dần tỉ lệ theo giá trị đầu tư. Nếu tăng theo kiểu bây giờ là giả tạo, căn cứ theo các tin đồn chỉ là giá ảo. Người mua phải nhìn xem người tham gia giao dịch tại các dự án là ai. Nếu phần lớn là các nhà đầu cơ ngắn hạn, người có nhu cầu đầu tư lâu dài ít thì tốt nhất không nên tham gia vì đặc tính nhóm này chỉ là đẩy giá để kiếm lời. Bây giờ hầu hết là giới đầu cơ mua bán với nhau, đẩy giá, tạo ra bong bóng và tất yếu bóng sẽ vỡ. Lúc ấy buộc phải bán rẻ để thu hồi vốn” - ông Đính nhắc nhở.
(Theo Pháp luật TP.HCM)