Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, qua khảo sát tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, thấy một số loại rau như: rau muống, rau ngót, rau mùng tơi… có tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao.

Hiện nay trên thị trường, nhiều loại rau được bày bán ở chợ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, người dân cũng không có cách nào kiểm soát về chất lượng của các sản phẩm nêu trên. Một số loại rau nhiễm độc cao như rau muống, rau ngót, rau mùng tơi…

Nhiều loại rau nhiễm độc

Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành lấy 120 mẫu các loại rau lá: muống, ngót, mồng tơi tại 150 quầy kinh doanh ở các chợ đầu mối như: La Khê, Long Biên, Đền Lừ, chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Minh Khai. Thời gian lấy mẫu từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2014.

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát Ngộ độc Thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, kết quả sau khi khảo sát cho thấy có 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

{keywords}

Rau nhiễm độc như rau muống, rau ngót đang bày bán tràn lan tại Hà Nội

Trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác. Trong đó, 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi có tồn dư thuốc BVTV. Kết quả nghiên cứu này được công bố tại Hội thảo khoa học về y tế dự phòng tổ chức tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên về kết quả này, TS Lâm Quốc Hùng cho biết, việc lấy mẫu là ngẫu nhiên và những mẫu này được lấy tại các sạp hàng kinh doanh, buôn bán, Tất cả các loại rau được lấy chưa qua xử lý, sơ chế như: nhặt, rửa ngâm…Bởi vậy, nếu đã qua sơ chế, hàm lượng tồn dư chắc chắn sẽ giảm xuống, theo Gia đình Việt Nam.

Nâng cao ý thức của người kinh doanh

Ông Hùng cho rằng, việc người dân được sử dụng rau sạch hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người kinh doanh rau. Ông Hùng dẫn chứng: Có một thực tế mà qua quá trình kiểm tra cơ quan an toàn thực phẩm của Bộ Y tế nhận thấy rõ là ở cơ sở kinh doanh rau sạch nào mà người chủ bằng cảm quan của mình nhận biết đây là loại rau đạt chất lượng, rau đó khi kiểm tra, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm hơn nhiều lần so với mẫu rau mà cảm qua người kinh doanh đánh giá là không tốt.

{keywords}

Rau muống, rau ngót là những loại rau có tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao

Do vậy thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tuyên truyền sâu rộng về vai trò của người kinh doanh rau, nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong quan sát, đánh giá ban đầu của đội ngũ kinh doanh rau, trước khi rau được lưu hành trong các chợ, sạp hàng và tới tay người tiêu dùng.

Từ những kết quả trên, ông Hùng khuyến cáo, người dân khi mua ra đặc biệt chú ý chọn rau bằng cách quan sát bề ngoài. Việc quan sát này có thể thấy được chất lượng rau có điểm bất thường không, hoặc ra có mùi lạ gì không? Từ đó, người tiêu dùng có sự lựa chọn an toàn nhất khi mua ra về sử dụng, báo Hải quan đưa tin.

(Theo Viet Q)