Giữ vị trí CEO Unitel trong 4 năm, ông Lưu Mạnh Hà đã góp phần đưa doanh nghiệp hàng đầu về viễn thông trở thành một doanh nghiệp số, đóng góp lớn vào việc xây dựng kinh tế và xã hội của Lào.

- Đón nhận huân chương hữu nghị do nhà nước Lào trao tặng, ông có suy nghĩ gì? 

Khi nghe tin được nhận huân chương dù đã kết thúc nhiệm kỳ, trở về Việt Nam, tôi rất bất ngờ và cảm động. Việc đóng góp một phần vào công cuộc phát triển đất nước Lào cũng như xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước là trách nhiệm của một “người lính” Viettel khi được giao nhiệm vụ, và tôi cũng vậy.

Tôi xin gửi lời cảm ơn tới Nhà nước, Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công nghệ và Truyền thông, Bộ Quốc phòng Lào. Tôi cũng hiểu huân chương này là phần thưởng cho cả đơn vị vì thành tích không chỉ của cá nhân tôi bởi có nhiều người xứng đáng, đóng góp lớn.

Cảm động hơn nữa là đúng ra tôi sẽ sang Lào nhận Huân chương, nhưng nhân đoàn công tác của Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào ở Việt Nam, Bộ trưởng cùng đoàn sẽ trao tặng Huân chương Hữu nghị cho tôi tại nhà khách Chính phủ.

- Là 1 trong 3 chuyên gia đầu tiên của Viettel được cử sang Lào để hỗ trợ LAT triển khai mạng lưới để chuẩn bị hình thành liên doanh. Khi đó, ấn tượng của ông về nước Lào ra sao?  

Lúc ấy, tôi đến với Lào là một cái duyên. Năm 2006, Lào có một nhà mạng thuộc quân đội, đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật, mạng nghẽn liên tục. Tập đoàn Viettel cử đoàn những kỹ sư đầu ngành sang hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng, đồng thời cũng qua đó tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai nước. Đoàn kỹ sư chúng tôi gồm 3 người, ngày càng bén duyên với đất nước Lào và sau đó xây dựng Unitel.

Tôi không nghĩ sẽ có ngày quay lại Lào làm việc. Nhưng đúng 12 năm sau, tôi đã quay lại Lào ở một cương vị khác, cương vị dẫn dắt con tàu. Khi quay lại, tôi thấy đất nước Lào không thay đổi nhiều, từ cảnh vật đến bạn bè thân thiết, những người từng làm việc cùng. Kỷ niệm ùa về khiến tôi thấy rất thân thương, chung thủy, như thể mình đã ở đó rất lâu rồi. 

Ở một nơi mà nhịp sống chậm cũng có những cái hay của nó, bởi vì ở đây những giá trị truyền thống luôn được duy trì, cảm giác cuộc sống thật bình yên và hạnh phúc. Tôi nghĩ nếu khảo sát thì người Lào là những người hạnh phúc nhất thế giới.

Tôi vốn thấm nhuần văn hóa Viettel, thích nghi nhanh và có sức cạnh tranh nên chỗ nào cũng hợp cả. Nhanh cũng hợp, chậm cũng hợp.

- Trong hành trình của ông với Unitel, thị trường viễn thông Lào có diễn biến như thế nào? Unitel đã có những thay đổi gì nổi bật trong giai đoạn đó?

Tôi may mắn được kế thừa Unitel ở giai đoạn tương đối chín muồi về đoàn kết nội bộ, kết quả kinh doanh, thị phần hàng đầu, bộ máy xây dựng rất vững chắc. 

Unitel đã thay đổi từng ngày, hình thành một diện mạo mới, không còn là một nhà mạng viễn thông thuần túy mà trở thành một công ty công nghệ đi đầu trong việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin như Chính phủ điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh, nông nghiệp thông minh. 

Trong 10 năm tiếp theo, Unitel tiếp tục phấn đấu luôn là công ty công nghệ hàng đầu, mang đến những công nghệ mới nhất như AI, IoT… và tiên phong trong chuyển đổi số, hướng tới xây dựng xã hội 4.0, đưa công nghệ vào mọi ngóc ngách của đời sống.

Công ty cũng hướng tới xây dựng hệ sinh thái, tham gia vào nhiều lĩnh vực của xã hội như mobile money, các dịch vụ số, thương mại điện tử và tích cực hỗ trợ cho các startup công nghệ.

Unitel đã không còn là công ty viễn thông như ban đầu. Những anh em đồng nghiệp người Việt Nam và Lào cũng thay đổi từng ngày, trở thành những phiên bản tốt hơn của chính họ.

- Ở một đất nước coi trọng giá trị truyền thống như vậy thì việc phát triển những điều mới như ông vừa nói có khó hay không? 

Cũng khó mà cũng dễ.

Nó khó bởi vì nhịp sống diễn ra chậm nên khi đưa những thứ mới mẻ vào sẽ mất nhiều thời gian hơn và mình phải kiên nhẫn hơn, dành nhiều tâm huyết hơn. Dễ là bởi ít người làm nên gần như những gì Unitel làm đều là tiên phong. 

Trong 3 năm qua, chúng tôi luôn làm theo khẩu hiệu: “Đổi mới, bứt phá và tiên phong”. Đổi mới tức là ngày hôm qua đã tốt rồi thì ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Cái gì đúng trong ngày hôm qua nhưng không còn đúng trong hôm nay thì ngày mai hãy làm khác đi. Tiên phong tức là trong mọi lĩnh vực mình phải luôn đi trước đi đầu. Còn bứt phá, đó là tiên phong đi trước, vượt xa hẳn các đối thủ đang cùng đường đua.

Giờ đây ở Lào, Unitel đã bứt phá rất xa rồi. Trong lĩnh vực công nghệ, những doanh nghiệp chuyển đổi chậm và đi sau thì sẽ khó phát triển, khi mà người đi trước đã chiếm lĩnh thị phần rồi. 

- Ông có suy nghĩ gì về trách nhiệm của Unitel - doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Lào? 

Doanh nghiệp nào cũng thế, không kể số 1 hay số 2 thì đều phải có trách nhiệm với xã hội. Unitel luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực như về doanh thu và đóng góp thuế, ngành viễn thông.

Unitel có đặc thù là một doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin đang kinh doanh ở một đất nước mà mức độ trưởng thành công nghệ còn thấp. Do đó, trách nhiệm của công ty là góp phần thay đổi hình ảnh này cho đất nước mà mình đang sống và làm việc. Mình là con chim đầu đàn dẫn dắt đoàn tàu, mình phải nỗ lực hơn bình thường.

- Với Việt Nam, Lào là quốc gia có mối quan hệ đặc biệt lâu dài và quan trọng. Khi ở vị trí đứng đầu một doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào, ông cùng với các đồng nghiệp của mình tại Unitel đã có những hoạt động gì đóng góp cho mối quan hệ đặc biệt đó?

Unitel là liên doanh giữa Lào và Việt Nam nên mang sứ mệnh góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Unitel là đại sứ của một tình bạn vĩ đại hai nước Việt - Lào.

Những năm qua, Lào gặp nhiều khó khăn. Lạm phát rất cao, xăng dầu không có mà mua, đồng tiền của Lào mất giá liên tục trong khi họ đến kỳ trả nợ vốn vay nước ngoài. Sau đó thì đại dịch Covid-19. Tôi hay nói đùa, không biết duyên số thế nào mà những năm mình ở Lào là giai đoạn khó khăn nhất trong 40 năm qua của một nền kinh tế. 

Trong bối cảnh đó, Unitel tham gia rất nhiều hoạt động xã hội như đóng góp quỹ phòng chống dịch, xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý đăng ký tiêm vaccine, quản lý đăng ký thông tin dịch bệnh, công cụ giáo dục từ xa… Chúng tôi gần như miễn phí dịch vụ viễn thông cho các bác sỹ tham gia cái phòng chống dịch và lực lượng giáo viên dạy online, các gói giảm giá cho học sinh sinh viên để học online.

Giai đoạn Covid-19 chính là lúc Unitel thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội nhiều nhất. Khi đại dịch lan rộng và diễn biến phức tạp như thế, không có công nghệ không thể nào làm được. Cũng may mắn, công tác chống dịch của Lào rất ổn, tỉ lệ tử vong thấp nhất thế giới có phần nào đóng góp của Unitel.

Thu Hà (thực hiện)