Tại Singapore, Google vừa tổ chức sự kiện Playtime SEA 2017. Đây là dịp để hơn 250 nhà phát triển ứng dụng và trò chơi hàng đầu khu vực Đông Nam Á gặp gỡ, học hỏi, được truyền cảm hứng để xây dựng doanh nghiệp toàn cầu trên nền tảng Android và Google Play.

Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi nổi tiếng Flappy Bird cũng xuất hiện tại sự kiện này. Diện mạo mới của Hà Đông khiến không ít người ngạc nhiên. 

Lập trình viên sinh năm 1985 từng xuất hiện trên tờ Rolling Stone với vẻ bơ phớt, bụi bặm với mái tóc cắt ngắn vào năm 2014. Ảnh: Maika Elan.

Tại Playtime SEA 2017, "Flappy guy" đã gặp gỡ một số nhà phát triển game độc lập đến từ các nước lân cận. Anh khá cởi mở với những đồng nghiệp, nhưng vẫn kiệm lời với truyền thông. Cách đây ít ngày, BTC Bluebird Award, cuộc thi viết game và ứng dụng di động, cho biết Nguyễn Hà Đông sẽ đến Mỹ vào 3/2018 cùng hai đội vô địch để dự một sự kiện lớn về game.

Nguyễn Hà Đông chơi thử một số game của đồng nghiệp và trao đổi các vấn đề chuyên môn xung quanh việc phát triển game. Tại sự kiện PlayTime, các nhà phát triển game độc lập (indie game developers) có cơ hội gặp nhau để trao đổi về tầm nhìn, cảm hứng sáng tạo, cập nhật các xu hướng mới.

Tuy nhiên, Nguyễn Hà Đông không phải nhân vật chính tại Playtime SEA 2017. Sự kiện này có sự góp mặt của Amanotes, một startup được đánh giá cao đến từ Việt Nam. Amanotes mang lại cho người dùng trải nghiệm việc chơi nhạc cụ, cảm nhận nhịp điệu thông qua các trò chơi liền mạch và sáng tạo.  

Nguyễn Tuấn Cường (thứ 2 từ trái qua), là đồng sáng lập Amanotes. Startup Việt này đang sở hữu ứng dụng Magic Tiles - trò chơi âm nhạc dẫn đầu ở 92 quốc gia và đứng 5 tại Mỹ trên PlayStore. Ngoài ra, Amanotes cũng được biết đến với Tap Tap Reborn 2. Đây là trò chơi âm nhạc đứng thứ 2 tại 60 quốc gia. Amanotes hiện trong top 15 nhà phát triển ứng dụng Android hàng đầu tại Mỹ với 9,8 triệu người dùng thường xuyên và 52 triệu người dùng tích lũy.

James Sanders - Giám đốc khu vực của Google Play Châu Á cho biết doanh thu của các nhà phát triển Đông Nam Á đang tăng lên hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Người dùng ngày càng sẵn lòng trả tiền nhiều hơn và các cổng thanh toán cũng nở rộ về số lượng. Những nhà phát triển đến từ Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đang sử dụng các công cụ của Google Play để tiến ra toàn cầu, tạo sức ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Theo Zing