Theo Trung tâm Y tế thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, đến chiều 7/8, còn 4/11 người trong vụ ngộ độc sau ăn cỗ ở đám tang đang phải theo dõi tại bệnh viện.

Hiện, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định. Nếu không có diễn biến bất ngờ, dự kiến, ngày mai (8/8), 4 bệnh nhân này đều được ra viện.

Qua xác minh thông tin, gia đình ông M.A.T. trú tại thị xã Sapa tổ chức đám tang cho con trai từ 2-5/8. Trong quá trình đó, gia đình tổ chức ăn uống. Ngày 4/8, ông M. mổ 1 con lợn khoảng 75kg. Ngày 5/8, gia đình tiếp tục mổ 1 con lợn và 1 con trâu, cùng với đó có một số gia đình đến viếng đám ma mang theo khoảng 1kg thịt và 1 chai rượu để chế biến các món ăn gồm: Thịt lợn nấu canh (luộc), tiết canh, canh rau bắp cải, rượu trắng.

Khu vực tổ chức đám ma nhà ông T. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Lào Cai.

Theo gia đình ông T., bếp nấu được dựng lên rất thô sơ để phục vụ đám ma, tường bếp là những tấm gỗ, ván, tấm ngói lắp ghép với nhau, không kín, nền đất không được láng xi măng rất ẩm ướt, trần lợp bằng tấm bạt thô sơ.

Khu vực sơ chế, giá kệ kê xếp thực phẩm là những tấm gỗ cũ, xếp gần nhau, không đảm bảo vệ sinh, dụng cụ chứa thực phẩm sống và chín là những chậu nhựa, phía ngoài bám nhiều bùn đất, nền đất khu sơ chế, chế biến thức ăn lầy lội, nhiều người qua lại.

Người chế biến thực phẩm là người nhà và người dân đến giúp, không có bảo hộ, không đeo găng tay, không có thiết bị bảo quản như tủ lạnh, lồng bàn, tủ kín... sử dụng chung thớt để chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín. Thực phẩm đã qua chế biến để ngoài trời không được che đậy, bảo quản.

Qua triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và phân tích các yếu tố dịch tễ, Trung tâm Y tế thị xã Sapa nhận định vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ do nhiễm vi sinh trong quá trình chế biến, bảo quản không đảm bảo.

Trước đó, ngày 2/8, gia đình ông T. đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn đông người với chính quyền địa phương.