Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận hai nữ bệnh nhân không có âm đạo.

Trường hợp thứ nhất, cô gái 22 tuổi được bố mẹ đưa đi khám nhiều nơi với lý do không có kinh nguyệt. Cô được chẩn đoán dậy thì muộn, buồng trứng kém phát triển, dùng rất nhiều loại thuốc kích kinh nguyệt nhưng không hiệu quả. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, cô được chẩn đoán bị dị tật âm đạo.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân dị tật âm đạo. Ảnh: BVCC.

Trường hợp thứ hai là một phụ nữ 35 tuổi, không có kinh nguyệt và đã lấy chồng nhưng không quan hệ tình dục được. Các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình lại âm đạo cho bệnh nhân. 

Theo các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, dị tật không âm đạo nằm trong một số hội chứng: Turner, tử cung nhi tính, Mayer Rokitansky Kuster Hauser, không dung nạp androgen thể hoàn toàn…

Dấu hiệu quan trọng để nghĩ đến dị tật không âm đạo là không có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì và không quan hệ tình dục được, không có các triệu chứng đau bụng theo chu kỳ hằng tháng. Khi thăm khám không thấy lỗ màng trinh, thường nhìn thấy vết lõm là vết tích của lỗ âm đạo. 

Siêu âm và chụp cộng hưởng từ tiểu khung sẽ không thấy âm đạo. Khám lâm sàng đánh giá cơ quan sinh dục ngoài: môi bé, âm vật và cơ quan sinh dục thứ phát như ngực, lông sinh dục, siêu âm. Chụp cộng hưởng từ đánh giá thêm tình trạng tử cung, buồng trứng kết hợp xét nghiệm hormone sinh dục và nhiễm sắc thể sẽ xác định nguyên nhân của dị tật không âm đạo.

Phẫu thuật tạo hình có thể tái tạo âm đạo như bình thường để bệnh nhân có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khả năng có con phụ thuộc nhiều vào dị tật âm đạo nằm trong nhóm hội chứng dị tật nào.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ khi có bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, khả năng quan hệ tình dục cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và tìm rõ nguyên nhân.