Trưa nay (2/6), trao đổi với VietNamNet, ông Hồ Văn Tú – Liên Đoàn trưởng Địa chất Bắc Trung Bộ cho biết, vùng xã Châu Hồng từng có nhiều công trình nghiên cứu địa chất. Toàn huyện Quỳ Hợp như một thung lũng kín, xung quanh được bao bọc bởi dãy núi cao. Lịch sử địa chất ở vùng này có cấu trúc hết sức phức tạp.

Theo tài liệu nghiên cứu trước đây, vùng xã Châu Hồng nằm ở trên đới cấu trúc đứt gãy sâu có tên là “Ngọc Hạt - Lồng Quèn”, kéo dài gần 100km từ huyện Quỳ Hợp lên đến huyện Quế Phong (Nghệ An). Ở khu vực này, từ năm 1981 - 1989, Liên Xô đã phối với Việt Nam thăm dò địa chất trên toàn diện tích ở xã Châu Hồng về các tuyến quặng thiếc, sa khoáng.

Ông Hồ Văn Tú – Liên Đoàn trưởng Địa chất Bắc Trung Bộ. Ảnh: Quốc Huy

"Lớp trầm tích đệ tứ phủ lên trên bề mặt đá vôi của toàn xã Châu Hồng. Đá vôi này có đặc điểm là nhiều hang cát tơ. Khu vực đá vôi này bị cà nát, dập vỡ nên hàng cát tơ nhiều hơn những vùng khác”, ông Tú chỉ rõ đặc điểm địa chất ở vùng này.

Cũng theo ông Tú, đây là vùng có các phễu cát tơ xuất hiện mạch nước ngầm chảy từ xã Châu Hồng đến xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) kéo dài khoảng 20 – 25km.

“Nguyên nhân sụt lún, xuất hiện "hố tử thần" là do hạ thấp mực nước ngầm trong lòng đất. Khi các hang cát tơ thông nhau thì tự nhiên mạch nước ngậm bị tụt. Việc khai thác khoáng sản sử dụng mạch nước ngầm nhiều cũng bị ảnh hưởng” – ông Tú thông tin.

Người dân xã Châu Hồng hết sức lo lắng khi nhà bị nứt nẻ, hố tử thần liên tục xuất hiện...
Giếng cạn trơ đáy - Ảnh: CTV

Liên đoàn địa chất còn cho biết, sụt lún ở xã Châu Hồng xảy ra từ năm 2021 đến nay. Đặc biệt, từ tháng 3 – 5/2022 tình trạng này xảy ra nhiều hơn, tần suất và quy mô lớn hơn. Đây là giai đoạn có lượng mưa lớn, dẫn đến yếu tố mực nước mặt dâng lên dồn dập sẽ khai thông các hang cát tơ nhanh hơn. 

“Sau đợt mưa lớn, hố sụt các sâu hơn. Theo nghiên cứu của Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ, các hố sụt phân bố riêng lẻ, ở nhiều địa điểm ở trên xã Châu Hồng. Sụt lún mới chỉ làm nứt nhiều nhà dân và công trình, chưa ghi nhận sập nhà”, ông Tú khẳng định.

Cũng theo ông Tú, việc sụt lún cũng gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa xã Châu Hồng. Kết qủa nghiên cứu của Liên đoàn địa chất cho thấy, các hố sụt lún xảy ra tại và gần các công trình địa chất thăm dò diễn ra trước đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng đoàn công tác đến kiểm tra hiện trường vụ sụt lún nhà ở xã Châu Hồng. Ảnh người dân cung cấp

Cũng theo ông Tú, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyên Đức Trung đã có kết luận, yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 31/7 về nguyên nhân sụt lún ở xã Châu Hồng. Liên đoàn địa chất sẽ có báo cáo nhận định về nguyên nhân sụt lún xảy ra liên tục trong thời gian tới.

Trước đó, sáng (29/5), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp đi thị sát tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng nước khô tại xã Châu Hồng. 

Tại buổi đối thoại trực tiếp với người dân xã Châu Hồng, nói về nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ nhà dân, ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ, trải qua 4 năm, người dân cũng như xã đã liên tục báo cáo, phản ánh tình trạng thiếu nước sạch, nứt công trình, sụt lún ruộng đồng… nhưng việc xử lý còn chậm trễ, chính quyền sẽ sớm có câu trả lời cho người dân.

Nhiều khu vực trên địa bàn xã Châu Hồng xảy ra sụt lún có biển cách báo nguy hiểm - Ảnh: CTV

Như VietNamNet đã thông tin, từ năm 2019 tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp) đã có tình trạng sụt lún đất và giếng cạn nước. 

Thời gian gần đây, tình trạng này diễn ra ở mức báo động khi toàn xã đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. 

Việc "hố tử thần" liên tiếp xuất hiện trên địa bàn xã Châu Hồng cũng như hiện tượng cạn giếng và nứt nhà cửa khiến người dân vô cùng bất an, lo sợ. 

Quốc Huy