Nguyễn Quang Thạch – người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn – vừa giành Giải thưởng Xóa mù chữ quốc tế (International Literacy Prizes) do UNESCO trao tặng.

{keywords}
Nguyễn Quang Thạch (phải)

Chương trình Sách hóa nông thôn của Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng là một trong hai dự án giành giải Xóa mù chữ King Sejong của UNESCO năm nay.

Nguyễn Quang Thạch – người dành 19 năm nghiên cứu về thiết kế thư viện và áp dụng các mô hình thư viện – bắt đầu công việc của mình vào năm 2007 với 3 thư viện, sau đó với sự giúp đỡ về ngân sách, anh mở rộng để xây dựng thêm 28 thư viện ở 9 tỉnh thành.

Năm 2009, bắt đầu từ số tiền giành giải thưởng trong một cuộc thi sáng kiến xã hội, anh bỏ việc để cống hiến cuộc đời mình cho việc xây dựng các thư viện. Năm 2010, anh thành lập Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng từ những cuốn sách quyên góp, sách giảm giá và đưa ra nhiều mô hình thư viện khác nhau: tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ, tủ sách lớp học và cộng đồng dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Quang Thạch chia sẻ rằng thói quen đọc sách của anh được nuôi dưỡng từ gia đình. Cha anh đã dành 20 năm để dạy toán và tiếng Anh miễn phí cho 300 đứa trẻ trong làng.

“Trong gia đình tôi, ông tôi và bố tôi là những người có đóng góp rất lớn cho việc giáo dục ở làng quê mình và tôi cảm thấy có trách nhiệm làm việc tương tự” – anh chia sẻ. “Tôi muốn làm tiếp những công việc mà ông cha tôi đã làm. Tôi muốn mọi đứa trẻ Việt Nam đều có sách để đọc”.

Để biến ý tưởng của mình trở thành hiện thực, anh đã bỏ việc ở Bộ Giao thông vận tải, bắt đầu cuộc cách mạng thư viện của mình bằng chuyến đi bộ dài 2.700 dặm để gây quỹ và tuyên truyền tăng nhận thức. Kết quả là, chương trình nhận được sự tham gia của hơn 100.000 người, hầu hết trong số đó là nông dân – những người chung tay trong việc đóng góp tài chính.

Chương trình cũng làm thay đổi cấu trúc hệ thống thư viện của Việt Nam bằng cách đưa ra những mô hình rẻ và thiết thực. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình này cũng đào tạo thực hành và làm việc nhóm để vận hành các thư viện, tạo ra các hoạt động khuyến khích việc đọc sách.

Giành giải thưởng này đồng nghĩa với việc Nguyễn Quang Thạch sẽ có thể mở rộng ý tưởng của mình sang các quốc gia khác.

“Trước khi nghe tin giành giải thưởng, tôi đã gửi một bức thư tới nhiều tổ chức của Ấn Độ giải thích những lợi ích của ý tưởng này. Tôi muốn các quốc gia nghèo khó khác cũng được áp dụng hệ thống thư viện này. Tôi muốn đi bộ ở Ấn Độ để kêu gọi người dân xây dựng thư viện cho tất cả trẻ em” – anh nói.

Đến nay, hệ thống thư viện của anh đã đưa những cuốn sách tới tay hơn 400.000 người đọc ở nông thôn, xây dựng hơn 9.000 thư viện ở 26 tỉnh thành. Với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự tham gia của hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, chương trình này sẽ được nhân rộng trên khắp cả nước để tiếp cận tới khoảng 20 triệu người dân nông thôn tính tới năm 2020.

  • Nguyễn Thảo (Theo UNESCO)