Nhà có 6 người gồm 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ nhưng không ngày nào người phụ nữ này không phải chi tiêu tiền chợ dưới 200 ngàn đồng dù lúc nào chị cũng có tâm lý tính toán nát óc để không hụt trước thiếu sau.

Đây chính là thực trạng bài toán chi tiêu tiền chợ đau đầu nhà chị Nguyễn Bảo Phương, 27 tuổi. Hiện vợ chồng chị Phương đang sống cùng 2 con nhỏ và bố mẹ chồng tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cũng như nhiều phụ nữ trẻ đang làm dâu, làm vợ và làm mẹ khác, suốt 4 năm nay kể từ khi về nhà chồng, việc đi chợ mỗi ngày khiến chị Phương không khỏi đau đầu: “Nhà gần chợ nhưng sáng nào xách làn đi chợ mình cũng chẳng biết phải mua bán gì. Mua cái gì cũng phải lo chi tiêu tính toán kẻo hụt trước thiếu sau. Chưa kể, lại còn phải tính xem ăn thực phẩm nào để vừa đảm bảo đủ chất cho cả nhà mà vừa tiết kiệm được tiền. Bởi thế, mấy năm nay, tiền đi chợ luôn là khoản tiền mình đau đầu nhất”.

Theo chị Phương cho biết, nhà chị hiện có 4 người gồm 2 bố mẹ chồng già năm nay đã 63-65 tuổi. Ngoài ra, chỉ có 2 vợ chồng chị và 2 con nhỏ ở độ tuổi 2-3 tuổi. Tổng cộng nhà chị có tất cả 6 người. Nhưng thực tế chỉ có 4 người lớn ăn các bữa là chính. Vậy mà không ngày nào chị không chi tiêu tiền chợ dưới 200 ngàn đồng cho 3 bữa sáng, trưa, tối.

{keywords}

Không ngày nào chị không chi tiêu tiền chợ dưới 200 ngàn đồng cho 3 bữa sáng, trưa, tối (Ảnh minh họa)

Cụ thể chi tiêu tiền chợ 1 ngày 3 bữa ăn của nhà chị Phương như sau:

Bữa sáng: 40 ngàn đồng

Trước đây khi chị chưa về làm dâu thì bữa sáng cả nhà chồng chị vẫn tự túc, mạnh ai nấy ăn. Song sau khi về làm dâu, chị muốn cả nhà ăn sáng ở nhà để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo. Do đó, hàng ngày chị dậy sớm đi chợ và đảm nhận nấu ăn sáng cho cả nhà.

Vì con cái chị ăn sáng ở trường nên hầu như chị không phải chuẩn bị bữa sáng cho con ngoại trừ ngày cuối tuần. Với 40 ngàn đồng mỗi ngày, chị thường mua bún rồi ít thịt làm bún mọc, hôm thì bún cua. Hôm thì cả nhà ăn bánh cuốn với ít chả. Hôm thì cơm rang trứng và dưa bò… Nói chung ăn sáng chị thường đảm bảo ăn nhẹ nhàng nhất có thể và thay đổi bữa liên tục cho các thành viên đỡ ngán.

Bữa trưa: 50 ngàn đồng

Do buổi trưa chồng chị ăn tại công ty nên không về nhà. Nhà chỉ có 3 người nên chị thường có xu hướng ăn uống đơn giản bữa trưa.

Tiền thức ăn chị mua dao động cho bữa trưa khoảng 50 ngàn gồm thịt, cá, đậu phụ, thịt vịt, tôm, cua thay đổi mỗi hôm 1 món và một loại rau nào đó làm canh.

Buổi tối: 90 ngàn đồng

Gia đình đông đủ người nhưng do 2 con đã ăn bữa chiều muộn ở lớp trước khi đón về nên con chỉ ăn thêm ở nhà buổi tối được 1 chút. Bởi thế, bữa tối chị cũng chỉ tập trung cho 4 người lớn.

Tiền thức ăn cho bữa tối dao động khoảng 90 ngàn đồng gồm thực đơn khá đơn giản: món mặn (từ 40-60 ngàn đồng) + canh (15 ngàn đồng) + rau (5 ngàn đồng).

“Chi tiêu cho bữa chính, mình thường chú ý điều chỉnh món mặn. Thường thì bữa trưa nhà mình hay ăn rau muống, rau mùng tơi thì lấy luôn nước rau làm canh luôn. Nhưng bữa tối mình thường nấu canh chua cá, canh cua, canh hến, canh sò. Những hôm đó thì nhất quyết phải giảm bớt tiền ở món mặn đi. Có hôm cả món canh và món mặn sơ sài thì mình lại bổ sung món xào như lòng xào mướp giá, nộm hoa chuối..." - Chị Phương kể.

Tiền hoa quả: 20 ngàn đồng

Ngoài tiền thức ăn hàng ngày, bà nội trợ này cũng cố gắng dành 20 ngàn đồng mua hoa quả đúng vụ ăn hàng ngày. Do tiền hoa quả có hạn nên chị Phương thường mua 1 quả dưa hấu (ăn làm 2 ngày) hoặc 1kg dưa lê, dưa chuột, xoài, mận…

{keywords}

Theo bà nội trợ này, sáng nào cầm tiền đi chợ cứ cảm thấy như bị mất cắp (Ảnh minh họa)

Tổng 1 ngày tiền chợ: 200 ngàn đồng

Chia sẻ về số tiền chợ hàng ngày, người vợ trẻ này than thở: “Tính ra 1 ngày đi chợ của mình trung bình hết khoảng 200 ngàn đồng cho 3 bữa/4 người ăn. Đó chưa kể còn tiền mua sữa tươi, bánh, gạo, gas, mắm muối... Rồi ngày cuối tuần, muốn ăn tươi thì ngày đó tiền ăn còn vượt hơn nữa. Rồi cả nhà mà sướng lên, lại mua nhiều đồ ăn vặt về cũng tốn 1 khoản. Thật sự mình muốn tiết kiệm mà không biết phải tiết kiệm kiểu gì. Ngày nào thử tiết kiệm không cầm 200 ngàn đi chợ thì ngày đó chắc chắn mình lại phải quay về lấy tiền đi chợ lần 2 hoặc mua chịu các hàng bán quen".

Theo bà nội trợ này, sáng nào cầm tiền đi chợ cứ cảm thấy như bị mất cắp. Không biết các gia đình khác chi tiêu tiền chợ cho ăn uống 1 ngày hết bao nhưng bà mẹ 2 con này cảm thấy quá mệt mỏi. Hiện người phụ nữ này vẫn loay hoay không biết làm sao chi tiêu tiền chợ ít hơn mà vẫn được ăn ngon. Những bà nội trợ khác có kinh nghiệm chi tiêu tiết kiệm hãy gợi ý cho bà mẹ 27 tuổi này học tập với nhé!

(Theo Trí Thức Trẻ)