Ưu thế của mảnh đất là chiều sâu tới 16m nên có thể xây kiểu nhà dài tận dụng tối đa diện tích. Mặc dù, căn nhà có thiết kế kiểu hình hộp đơn giản song nhờ cách bố trí cửa sổ hợp lý nên vẫn rất thoáng và dễ chịu.
Căn nhà nằm trên khu đất hẹp, còn sót lại sau khi giải tỏa mở rộng đường ở Tokyo. Nhằm tối đa hoá không gian sử dụng, công ty thiết kế kiến trúc đã tạo ra không gian nhiều lớp ở 2 tầng của ngôi nhà. Trong đó, tầng 1 là nơi bố trí không gian sinh hoạt chung, còn không gian riêng tư ở tầng 2.
Kiến trúc của căn nhà được ví như "hộp bê tông" với 8 cột được xây dựng để đỡ toàn bộ tầng phía trên.
Cả bốn mặt của căn nhà đều có cửa sổ giúp đón ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể. Ở tầng 1, các cửa sổ được bố trí cao hơn tầm nhìn bên ngoài để đảm bảo sự riêng tư. Ở tầng trên, cửa sổ nhỏ hơn nhưng vẫn hút đủ ánh sáng.
Khi bước vào tầng 1, có cảm giác như bước vào một "hang động" với tường cao và các cột lớn. Tuy nhiên, càng đi sâu vào, nhìn thấy các cửa sổ được bố trí nhiều sẽ mang đến sự gần gũi với cảnh sắc bên ngoài.
Tại tầng 1 là không gian chung của gia đình, có bếp nhỏ, khu vực ăn uống và nơi tiếp khách. Mặc dù, chiều ngang hẹp nhưng biết cách tận dụng không gian nên vẫn đủ vị trí như các căn nhà khác mà vẫn không bị bí.
Ở trung tâm tầng 1 là cầu thang dẫn lên tầng 2, ở đây có phòng tắm, 2 phòng ngủ.
Tầng 2 được thiết kế thấp hơn 1 tầng để tạo ra sự ấm cúng. Trong khi tầng một khá cao thì tầng 2 thấp hơn, đây là sự mong muốn bổ sung cho nhau theo quan điểm của phía thiết kế.
Cách bố trí cửa sổ nhiều giúp mang thiên nhiên vào bên trong. Gia chủ dù sống trong "hộp bê tông" vẫn không cảm thấy sự khó chịu, kém thoải mái.
Vì diện tích nhỏ, kết hợp lối sống tối giản nên căn nhà không có nhiều đồ đạc. Gia chủ chỉ đặt các đồ dùng đủ để sử dụng làm sao cho tiết kiệm không gian nhiều nhất.
Cả căn nhà giữ nguyên màu sắc ghi xám của bê tông không sơn. Dường như gia chủ không cần quá nhiều màu sắc hay sự cầu kỳ về nơi ở của mình.
Theo DZ