Có nhà ngay cạnh công trường đường Ba Sao – Bái Đính, bà Tào Thị Thủy cho biết, gia đình làm nhà được gần 10 năm, không xảy ra tình trạng nứt nẻ. Tuy nhiên, sau khi có dự án làm đường, ngôi nhà 2 tầng của bà không thể chống đỡ nổi những trận nổ mìn và khoan đá từ công trường.
“Từ tháng 11 năm ngoái họ nổ mìn để làm đường khiến nhà tôi bị nứt hết, nhất là ở tầng 2”, bà Thủy chia sẻ.
Cách đó không xa, nhà bà Hoàng Thị Liên cũng rơi vào tương tự, những vết nứt hằn sâu chạy từ mái xuống nền. Thậm chí nhà bà còn bị đá rơi và mái tôn tạo ra vết thủng lớn.
“Sau trận nổ mìn, một viên đá to rơi trúng nhà tôi khiến mái tôn bị thủng; tôi đã báo cáo lên chính quyền địa phương và được thay lại. Hôm đó may trong nhà không có ai, nếu không, ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra”, bà Liên nói.
Ông Hoàng Văn Lợi, Tổ trưởng tổ dân phố số 3, thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam cho biết, quá trình nổ mìn làm đường có rất nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng, người dân đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương can thiệp.
“Trong lúc nổ mìn, một số gia đình bị nứt tường nhà. Người dân chúng tôi mong các cấp chính quyền, doanh nghiệp Xuân Trường phải có trách nhiệm, tiến hành kiểm tra, xác minh thiệt hại để có phương án khắc phục”, ông Lợi cho hay.
Theo người dân đia phương, việc nổ mìn gây ra rung chấn rất mạnh khiến những người ở xa cả km vẫn cảm nhận được mặt đất rung.
Anh Đinh Văn Giang cho biết: “Người dân bức xúc kéo ra cổng công trường có ý kiến nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, chúng tôi kêu cứu lên chính quyền địa phương nhưng chưa thấy kết quả gì”.
Không chỉ là nổ mìn, để thực hiện thi công dự án, nhiều xe có trọng tải lớn chở đất đá, xe lu rung lắc, cũng khiến cho nhiều công trình của các hộ dân bị rung lắc theo.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Thành Thăng, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng, Hà Nam cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin trên.
“Tuyến đường Ba Sao – Bái Đính do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư; doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường chịu trách nhiệm thi công. Do địa chất phức tạp, gặp đá ghềnh nên đơn vi thi công buộc phải sử dụng chất nổ phá đá, mở đường. Khi xảy ra việc nứt nhà dân, huyện cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát việc nổ mìn”, ông Thăng cho biết.
Về số lượng hộ dân bị ảnh hưởng, theo vị lãnh đạo huyện Kim Bảng, các đơn vị đang thống kê cụ thể.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Kim Bảng có hàng trăm hộ dân đang có hiện tượng lún nền, nứt tường như trên. Tập trung nhiều nhất tại thị trấn Ba Sao.