Cơ quan quản lý thị trường Nam Sung thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đã có tuyên bố chính thức tới truyền thông sau khi "đột kích" vào nhà hàng trên hôm 2/12.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 11,54kg mỡ bò tái chế, một trong những thành phần chính của món lẩu cay Tứ Xuyên trong bếp của nhà hàng. Chính quyền đã tịch thu toàn bộ số dầu tái chế và chuyển vụ việc cho sở cảnh sát địa phương để điều tra thêm.
Cơ quan này cho biết đợt thanh tra diễn ra sau khi nhận được phản ánh từ một khách hàng đã tới đây ăn.
Ông Chen, chủ nhà hàng, thừa nhận việc họ đã chiết phần dầu ớt từ nước dùng còn thừa kể từ tháng 9/2024 và trộn nó với dầu mới để "làm tăng hương vị của nước dùng" cũng như "tiết kiệm được chi phí kinh doanh".
Luật An toàn thực phẩm của Trung Quốc cấm việc tái sử dụng các thành phần thực phẩm còn thừa. Trong khi đó, Luật Hình sự Trung Quốc nêu rõ những đối tượng đưa các thành phần gây hại vào thực phẩm sẽ bị phạt tiền và phạt tù tới 5 năm.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội Trung Quốc, một số người từ Tứ Xuyên và Trùng Khánh, cho biết việc các nhà hàng lẩu trộn dầu cũ và dầu mới là điều bình thường và nó thực sự giúp món ăn tăng thêm hương vị.
Một người dùng mạng xã hội ở Trùng Khánh cho biết: “Đây là một bí mật công khai giữa những thực khách địa phương. Chúng tôi vẫn đến các nhà hàng lẩu vì lẩu không có dầu cũ thì không ngon”.
“Lý do khiến nước dùng lẩu đóng gói không ngon như ở nhà hàng là do dầu tái chế”, một người khác ở Tứ Xuyên cho biết.
Phương pháp truyền thống để làm “dầu tái chế” hay còn được người dân gọi là "dầu nước bọt" là đun nóng và lọc phần nước dùng còn lại trước khi đun nóng lại ở nhiệt độ hơn 115 độ C.
Trong khi đó, có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm và nguy cơ lây nhiễm khi sử dụng thực phẩm đã sử dụng.