Ông Shui-Yi Kuo cho biết: “Mặc dù đại dịch vẫn đang tác động đến nền kinh tế toàn cầu nhưng hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục lộ trình triển khai mạng 5G và đặt mục tiêu triển khai dịch vụ 5G vào quý 3/2020. Việc thúc đẩy các dịch vụ 5G cùng với tác động của đại dịch đang đẩy nhanh sự phát triển của ứng dụng kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số. Chúng tôi tin rằng với các nguồn tài nguyên phổ tần, công nghệ CNTT tiên tiến và thị phần hàng đầu trong cả phân khúc doanh nghiệp và người tiêu dùng, chúng tôi sẽ ở vị trí tốt hơn để đáp ứng với sự cạnh tranh và phát triển kinh doanh trong tương lai”.
Trong khi đó, Fu-Fu Shen, trợ lý Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng cho rằng, công ty không đặt mục tiêu cụ thể về số thuê bao 5G nhưng nhận định số thuê bao 5G vào cuối năm sẽ bị hạn chế.
Trước đó, Ủy ban Truyền thông Quốc gia Đài Loan (NCC) đã phê duyệt kế hoạch bảo mật thông tin của Chunghwa Telecom. Theo quy định, để được phép cung cấp dịch vụ 5G tại Đài Loan, các nhà khai thác phải nộp kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch bảo mật thông tin và phải được cơ quan quản lý viễn thông chấp thuận.
Gói bảo mật thông tin 5G của Chunghwa Telecom được phê duyệt sau khi công ty cung cấp thêm thông tin về cách họ lên kế hoạch để đánh giá rủi ro; thực thi các biện pháp bảo vệ và kiểm soát an ninh thông tin; lắp đặt cơ sở hạ tầng để bảo vệ an ninh thông tin và phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn trong một khung thời gian cụ thể, cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng khi thực hiện những biện pháp đó.
Chunghwa Telecom trước đây đã chọn nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson và Nokia làm nhà cung cấp mạng truy cập vô tuyến 5G vì công ty có kế hoạch triển khai dịch vụ 5G thương mại dựa trên kiến trúc mạng 5G không độc lập (5G NSA: 5G Non-Standalone).
Phía Ericsson cho hay sẽ sử dụng các trạm gốc vô tuyến và mạng lõi của Ericsson bao gồm cả mạng lõi chuyển mạch gói mở rộng 5G, đồng thời cung cấp giải pháp truyền dẫn đường trục fronthaul và IP backhaul sử dụng các sản phẩm Fronthaul 6000 và Router 6000 để hỗ trợ kiến trúc mạng truy cập vô tuyến đám mây (C-RAN). Nền tảng 5G của Ericsson sẽ bao gồm các trạm gốc vô tuyến hoạt động trên băng tần 3,5 GHz và 28 GHz. Giải pháp 5G cũng bao gồm các sản phẩm ăng ten tích cực, đồng thời hỗ trợ các chức năng hướng chùm sóng (beam-forming) giúp giảm nhiễu tín hiệu vô tuyến và cải thiện tốc độ 5G.
Ericsson cho biết thêm, giải pháp chia sẻ phổ tần của họ sẽ cho phép nhà khai thác sử dụng toàn bộ tài nguyên phổ tần sẵn có để tăng tốc độ phủ sóng mạng 5G và thúc đẩy quá trình chuyển đổi mạng suôn sẻ lên 5G.
Trong khi đó, Nokia tiết lộ rằng họ được chọn nhằm tận dụng nguồn tài nguyên phổ tần và trạm gốc LTE hiện có của Chunghwa Telecom để triển khai mạng 5G không độc lập (NSA) liên quan đến nhiều băng tần, mở đường cho việc ra mắt dịch vụ 5G thông qua kiến trúc mạng 5G độc lập trong tương lai gần.
Trong phiên đấu giá tần số được tổ chức vào tháng 1 vừa qua, Chunghwa Telecom đã phải trả 45,7 tỷ đô la Đài Loan (khoảng 1,51 tỷ USD) cho 90 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 618 triệu đô la Đài Loan cho 600 MHz trong băng tần 28 GHz.