Nhà nghiên cứu ung thư Tôn Thiếu Thông về nước sau 30 năm cống hiến ở Mỹ. Theo SCMP đưa tin, ngày 17/12, GS Tôn Thiếu Thông đã gia nhập Trung tâm Đổi mới Khoa học Y học Trung Quốc (CIMR). Ngoài ra, ông còn thành lập phòng thí nghiệm miễn dịch mới ở Bắc Kinh (Trung Quốc). 

Ông là nhà nghiên cứu tiên phong về tế bào T - tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng và tiêu diệt tác nhân gây bệnh ung thư. Trước đó, ông là nhà khoa học xuất sắc có nhiều đóng góp tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc ĐH Texas (Mỹ). Tại đây, ông nghiên cứu cơ chế phân tử của miễn dịch chống ung thư, tự miễn dịch và các bệnh viêm để điều hòa tế bào T.

nha nghien cuu ung thu hang dau the gioi roi my ve nuoc.jpeg
Nhà nghiên cứu ung thư Tôn Thiếu Thông. Nguồn ảnh: Baidu

Trước khi về nước, GS Tôn Thiếu Thông đã nhận được hơn 24 triệu USD (~610 tỷ đồng) từ các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH) trong suốt quá trình làm việc tại đây, theo NIH RePORTER.

GS Tôn Thiếu Thông tốt nghiệp cử nhân Sinh học tại ĐH Hồ Bắc (Trung Quốc) và lấy bằng tiến sĩ Vi sinh vật học tại ĐH Stockholm (Thụy Điển). Năm 1992, ông chuyển đến Mỹ hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH California. 

Đến năm 1994, ông gia nhập Trung tâm Y học Hershey thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ). Tại đây, ông nghiên cứu về bệnh bạch cầu tập trung vào tế bào T. Sau 13 năm cống hiến tại ĐH Pennsylvania, năm 2007, ông được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Từ 2007 đến 2022, ông làm việc tại ĐH Texas (Mỹ). Đến năm 2024, ông quyết định về nước kết thúc sự nghiệp kéo dài hàng thập kỷ ở Mỹ. Hiện tại, ngoài tập trung nghiên cứu, ông còn là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Y học Thủ đô (Trung Quốc).

Ngoài GS Tôn Thiếu Thông, vừa qua, cũng có một số nhà khoa học về Trung Quốc làm việc như: GS Ma Tiểu Nam, GS Uông Từ Gia, GS Vladimir Markovic người Đức và GS Gérard Albert Mourou người Pháp.

Trong đó, GS Ma Tiểu Nam là chuyên gia hàng đầu lĩnh vực Hình học vi phân và tôpô. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải Sophie Germain của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp; Giải Ferran Sunyer i Balaguer của Tây Ban Nha (2006) và Giải Gay-Lussac-Humboldt (2022).

Về nước, ông gia nhập Viện Nghiên cứu Toán học Trần Tỉnh Thân thuộc ĐH Nam Khai (Trung Quốc). Trong hơn 25 năm ở châu Âu, dấu chân của ông trải khắp các tổ chức học thuật nổi tiếng ở Pháp, Đức và Mỹ. 

Sau 29 năm làm việc tại Australia, nhà Toán học Uông Từ Gia cũng vừa về nước gia nhập ĐH Tây Hồ (Trung Quốc). Trước đó, ông từng công tác tại Trung tâm Toán học và Ứng dụng của ĐH Quốc gia Australia (ANU). Ông nổi tiếng trong giới Toán học với những nghiên cứu về phương trình vi phân, phương trình đạo hàm riêng phi tuyến và ứng dụng của nó trong Hình học và Vật lý. 

nhieu nha khoa hoc roi su nghiep hang thap ky o nuoc ngoai ve trung quoc (2).jpg
Giáo sư Toán học Uông Từ Gia. Nguồn ảnh: ANU

Năm 2002, ông lọt top 20 nhà khoa học dưới 40 tuổi nhận huy chương của Hiệp hội Toán học Australia. Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Toán học Morningside vì những đóng góp trong nghiên cứu phương trình Elliptic phi tuyến hoàn toàn, phương trình m-Hessian và các ứng dụng của nó.

Ngoài ra, GS Vladimir Markovic người Đức cũng vừa rời ĐH Oxford gia nhập Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng thuộc ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) hồi tháng 9. Ông Vladimir Markovic nổi tiếng trong lĩnh vực Hình học hyperbolic. 

Suốt quá trình cống hiến cho nền Toán học thế giới, ông Vladimir Markovic từng nhận Giải thưởng Simons Investigator (2016) và Clay Research (2012) vì những đóng góp trong công trình Hình học Hyperbolic và Đa tạp phức. Trước khi về Trung Quốc, ông từng dạy ở ĐH Cambridge, ĐH Warwick, Viện Công nghệ California, ĐH Stony Brook và ĐH Minnesota.

Bên cạnh những nhà Toán học nổi tiếng thế giới về Trung Quốc giảng dạy thời gian qua, GS Gérard Albert Mourou - nhà khoa học người Pháp tiên phong trong lĩnh vực Kỹ thuật điện và Laser cũng quyết định đầu quân về ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi tháng 10. 

nhieu nha khoa hoc roi su nghiep hang thap ky o nuoc ngoai ve trung quoc (2).png
Giáo sư Vật lý Gérard Albert Mourou. Nguồn ảnh: ĐH Bắc Kinh

Ông Gérard Albert Mourou là nhà Vật lý nổi tiếng thế giới từng đoạt giải Nobel năm 2018, nhờ những đóng góp tiên phong trong kỹ thuật khuếch đại xung chirped (CPA) - công nghệ cho phép ứng dụng laser siêu nhanh vào quá trình phẫu thuật mắt và sản xuất.