Ngày nay, trong xu thế phát triển chung, không gian kiến trúc làng xã của nhiều vùng nông thôn đang có nhiều thay đổi. Tại một số khu vực nông thôn có nhiều KCN loại lớn, có tiềm năng phát triển, có tiềm năng thu hút lao động và các khu vực dân cư xung quanh đã và đang hình thành nhiều khu vực giãn dân mới, được gọi là các khu dân cư mới tại vùng nông thôn.
Các khu vực này mặc nhiên được coi là sẽ phát triển như một yếu tố tạo thị, do đó được quy hoạch xây dựng như mô hình đô thị mà chúng ta đang thấy hiện nay. Trong tương lai sẽ giúp hình thành một đô thị hoàn chỉnh.
Với các xã chỉ có một số cụm công nghiệp hay KCN loại nhỏ… sẽ khó có thể thúc đẩy phát triển khu vực dân cư xung quanh, có thể sẽ hình thành một dạng đô thị nửa vời, làm ảnh hưởng tới cảnh quan nông thôn. Những khu vực nông thôn như thế này chiếm đa số, do đó giới KTS cho rằng, cần xem xét lại mô hình quy hoạch xây dựng ở đây theo hướng là một đô thị nông nghiệp hơn là lựa chọn mô hình đô thị công nghiệp đang gây nhiều tác động môi trường, thiếu bền vững.
Hơn 10 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang góp phần thúc đẩy nhà ở nông thôn mới. Đây là những nhà ở được xây dựng tại các thôn, xã, huyện đạt các tiêu chí về nhà ở trong bộ tiêu chí nông thôn mới, trong bối cảnh tiêu chí quan trọng nhất là có sự thay đổi căn bản về phương thức sản xuất tiên tiến, có sự áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao.
Theo góc nhìn của các KTS, trong xu thế này, khu vực làm việc sẽ là những cánh đồng diện tích lớn và những trang trại quy mô lớn. Sự “hợp khối” của chức năng sản xuất sẽ giải phóng nhiều đất đai khác dành cho hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn. Hệ thống giao thông hàng hóa dành cho sản xuất sẽ ngắn và thẳng, các hệ thống giao thông khác sẽ vẫn đi theo địa hình nhằm tránh san lấp hồ, ao và các khu vực cây xanh khác. Tóm lại mật độ xây dựng vẫn thấp, chỉ có sự phát triển kinh tế tăng lên do sử dụng công nghệ sản xuất chứ không phải do khai thác thêm tài nguyên đất và nước. Vì vậy có thể quỹ đất sẽ tăng thêm chứ không giảm đi, góp phần tạo ra môi trường nông thôn bền vững;
Với một điều kiện về môi trường ở như vậy, giới KTS đã gợi ý nhà ở nông thôn mới nên là các nhà ở một tầng hoặc kết hợp một tầng và 2 tầng trong tổ hợp không gian kiến trúc. Nhà ở nông thôn mới cần khuyến khích sử dụng các hàng rào bằng cây xanh nhằm tạo môi trường xanh và sạch cho nông thôn mới. Tùy theo diện tích lô đất mà mật độ xây dựng sẽ phải giảm để đảm bảo tối thiểu phải có sân vườn trong khuôn viên nhà.
Nông thôn mới nhìn chung sẽ là khu vực thoáng mát, sạch sẽ có các điều kiện về vệ sinh môi trường tốt. Vì vậy, cần khuyến khích người dân xây dựng các giải pháp nhà ở xanh, theo hướng sinh thái (sử dụng nước mưa, gió, năng lượng mặt trời…); khuyến khích sử dụng mái dốc vừa phù hợp hơn với cảnh quan tự nhiên, vừa thuận lợi cho việc áp dụng các thiết bị năng lượng tái tạo.
Tăng cường hệ thống cây xanh mặt nước bên ngoài khuôn viên cũng như trong khuôn viên nhà theo hướng hình thành một hệ thống hạ tầng xanh giúp điều hòa nước ngầm, lọc nước, thoát nước hiệu quả hơn dưới tác động ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, nhà ở nông thôn mới không chỉ là một giải pháp thiết kế kiến trúc nhà ở mới dành cho người dân, vì vậy không thể là một giải pháp kiến trúc “đại trà” áp đặt cho các vùng nông thôn, vì nó cần một môi trường bên ngoài phù hợp với sự phát triển. Khi môi trường ở chưa có sự thay đổi thì một vài kiểu nhà ở mới cũng sẽ không làm thay đổi được bộ mặt kiến trúc của nông thôn hiện nay