Tôi đọc như ăn uống mỗi ngày

- Một năm nhiều sóng gió đã qua, công việc nói chung và văn thơ của anh thế nào?

Công việc cá nhân của tôi như nhiều người khác, bị ảnh hưởng không ít thì nhiều nhưng tôi có sự lạc quan riêng mình. Tôi cũng phải tiết kiệm chi tiêu, học cách thích nghi những thay đổi đã và đang diễn ra. 

Nhưng với sáng tác, tôi lại rất thuận lợi khi ra mắt cuốn tản văn Chúng ta sống có vui không hồi tháng 9/2020, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Còn tập thơ Bao nhiêu thương nhớ cho vừa ra mắt dịp Giáng Sinh vừa qua vẫn đúng hẹn như lời hứa của tôi với mọi người trong suốt 9 mùa Giáng sinh qua.

{keywords}
Tập thơ mới nhất của Phong Việt.

- Nhà thơ có cần ý thức việc đọc và xây dựng thói quen đọc không, theo anh? 

Tôi không xem việc đọc là điều gì đó ghê gớm hay phải thế này hay thế kia. Từ lâu rồi với tôi, việc đọc giống như ăn uống mỗi ngày. Nó đương nhiên diễn ra bất chấp mọi thứ có như thế nào.

Tôi đọc rất nhiều thể loại khác nhau từ sách kinh tế, tâm lý học, marketing, trinh thám, du ký… Mỗi ngày, tôi dành trung bình 30 phút cho việc đọc sách, riêng thời lượng đọc tin tức báo chí còn chiếm nhiều thời gian hơn. Với tôi, việc đọc không đơn giản là cập nhật kiến thức mà còn là cách gia tăng vốn từ vựng cho bản thân trong việc sáng tác.

- Việc đọc bổ ích gì cho tâm hồn thơ? Nếu đọc sách thơ của tác giả khác, anh có sợ bị "tiếp thu vô thức"?

Tôi không chủ trương đọc để giúp mình làm thơ hay hơn hay tốt hơn. Cơ bản, tôi tách bạch hai điều đó. Tôi đọc vì việc đó tốt và phải làm cho công việc liên quan đến nghề viết của mình. Còn thơ lại là câu chuyện của cảm xúc. May mắn, nhờ ưa đọc, tôi có thêm những trải nghiệm, câu chuyện giúp mình đa dạng góc nhìn khi viết.

Cá nhân tôi nghĩ trong vô thức bị ảnh hưởng của ai đó là có nhưng việc bị ảnh hưởng phong cách với đạo nhái là hoàn toàn khác nhau. Trong văn chương, có những giới hạn mà nếu không khéo, chúng ta đang sao chép câu chữ của người khác thay vì chỉ ảnh hưởng do chưa biết cách xác lập phong cách viết mang dấu ấn cá nhân của mình. 

{keywords}
Nhà thơ Phong Việt.

- Khán giả ngày nay rất nhạy cảm và ưa đấu tố chuyện đạo nhái và thơ không ngoại lệ. Thực trạng này có làm anh chùn bút viết thơ?

Thú thật tôi rất ít đọc thơ người khác. Điều đó có thể là may mắn để khi viết, tôi không phải ảnh hưởng từ bất kỳ ai. Thế nhưng trong sáng tạo, đôi khi bạn cũng không thể chắc điều bạn viết ra có phải là thứ đã từng được người khác viết ra trước đó hay không.

Trong cuộc đời này, mọi khả năng đều có thể xảy ra. Do đó, tôi luôn tin vào cảm xúc cá nhân của mình. Thứ cảm xúc ấy mang đậm dấu ấn trải nghiệm của tôi. Vì thế, khả năng bị trùng lặp là rất ít. Còn lại, nếu xui rủi trùng lặp với ai đó mà mình là người viết sau, tôi đành chấp nhận mình có lỗi vậy.

Thơ không bao giờ mất đi

- Từng có một giai đoạn, người ta mang thơ ra đối nhau, đấu đá, đánh đố nhau. Năm 2021, anh nhận định thơ còn lại gì trong đời sống xã hội? 

Trong tâm thức người Việt Nam nói chung, thơ vẫn là một thứ chất liệu của đời sống nội tâm. Nó sẽ không bao giờ bị mất đi nhưng cũng không có nhiều khả năng để phát triển lớn mạnh. Vậy nên, hãy cứ hài lòng rằng thơ vẫn là một mạch chảy ngầm trong đời sống tinh thần, dù giá trị nó mang lại không hề nhỏ bé chút nào.

- Liệu có không tác phẩm thơ vĩ đại, đúng nghĩa nếu nhà thơ không thể sống bằng thơ? Giả sử "nhà thơ triệu bản" Phong Việt dẹp hết các công việc khác, chỉ chuyên tâm viết sách, làm thơ, thu nhập có đủ sống?

Phải khẳng định luôn rằng tôi không thể sống bằng việc viết sách! Nó đơn giản là niềm vui, sở thích và đôi khi còn là một sứ mệnh nhỏ nhoi trong việc kể lại những câu chuyện trong đời sống này để lan tỏa điều ấy đến độc giả.

Ngay cả khi tôi muốn kiếm sống bằng việc sáng tác vẫn là điều bất khả vì khoản thu nhập từ việc xuất bản ở Việt Nam là cực kỳ ít ỏi. Thế nên, khi viết sách, tôi luôn không đặt nặng việc kiếm tiền như thế nào. Tôi chỉ tự yêu cầu mình làm sao mang lại những giá trị tốt nhất có thể trên từng trang tôi viết ra. Để khi người đọc bỏ tiền mua sách của mình, cái họ nhận được ít nhất phải tương xứng với số tiền ấy, tốt nhất là phải hơn.

Việc để cho ra đời một “tác phẩm vĩ đại” không liên quan gì đến việc chuyên tâm hay không chuyên tâm, mà do tài năng của người viết. Với tôi, kể những câu chuyện nho nhỏ và tìm thấy một sự đồng cảm từ độc giả của mình là đủ. Những điều lớn lao, sẽ có người khác làm tốt hơn tôi gấp nhiều lần.

- Anh dự đoán gì về số phận của thơ trong tương lai sắp tới - thời đại của công nghệ và những con người sống vội?

Thơ sẽ không mất đi! Nó vẫn ở đấy và tồn tại một cách thầm lặng. Biết đâu khi cuộc sống công nghệ càng làm con người cô đơn hơn, thì thơ sẽ lại hồi phục một cách mạnh mẽ bên cách các thể loại văn học khác?

- Nếu một ngày không xa, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể sáng tác thơ như nhà thơ, liệu nhà thơ nói chung và anh Phong Việt đây nói riêng sẽ thế nào?

Tôi tin đó là xu hướng tất yếu, AI sẽ làm được thôi. Nhưng suy cho cùng, thơ là trải nghiệm nội tâm của cá nhân người viết. Sự khác biệt và tinh túy này, AI có muốn cũng không thể làm được! Với riêng thơ, tôi vẫn tin AI không thể có được sự sâu sắc như tâm hồn của một nhà thơ. Trong trường hợp này đúng là "chiếc áo không làm nên thầy tu".

{keywords}
Phong Việt có niềm tin lớn vào thơ.

Tôi ý thức rõ giá trị của bản thân

- Trong anh, việc sáng tác thơ hiện là gì? Những Phong Việt trong báo chí, kinh doanh hay một KOLs thân thiết nhiều nghệ sĩ, từng góp tiếng nói sắc sảo trong những vụ việc ồn ào mạng xã hội có "va chạm" với tư cách của Phong Việt nhà thơ? 

May mắn lớn nhất là tôi tách bạch giữa một người sáng tác với một người làm báo, người kinh doanh, một KOLs cũng như một người phản biện những vấn đề của xã hội đương đại. Tôi chưa bao giờ để mình nhầm lẫn giữa các vai trò này nhằm tránh việc mình không ý thức rõ giá trị của bản thân khi đứng trong từng câu chuyện và bối cảnh riêng biệt.

Còn riêng với thơ, đến thời điểm này, tôi xem đó là một sứ mệnh nhỏ nhoi mình phải gánh vác với phần cảm xúc tôi đã may mắn tiếp nhận trong cuộc đời này. Việc duy nhất tôi phải làm là viết nó xuống như không thể khác.

- Nếu phải review một cuốn sách anh thích với độc giả VietNamNet, đó là gì? 

Để nói về một cuốn sách mà thời gian gần nhất khiến tôi cực kỳ thích thú, đó là cuốn Dám bị ghét (Koga Fumitake & Kishimi Ichiro). Cuốn sách này giúp cho hành trình trưởng thành của tôi trở nên nhẹ nhàng hơn vì biết cách tự tạo ra niềm vui cho bản thân và không mong cầu niềm vui đến từ người khác. Đây là cuốn sách, tôi nghĩ, ai đó đang hướng đến sự bình an trong tâm hồn mình chắc chắn nên đọc.

5 cuốn sách nhà thơ Phong Việt gợi ý độc giả VietNamNet: Suối nguồn (Ayn Rand), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Sống thực tế giữa đời thực dụng (Mễ Mông), Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần) và Ăn gì không chết (Michael Greger).

Gia Bảo

MC Tùng Leo: 'Sex trong văn chương là gia vị, không phải cần câu'

MC Tùng Leo: 'Sex trong văn chương là gia vị, không phải cần câu'

"Nhiều tác giả thích tỏ ra mình khiêu dâm. Đó là sự kém bản lĩnh của người viết trong lối sống của họ. Còn người viết có bản lĩnh thì khác. Sex là gia vị, không phải cần câu", MC Tùng Leo cho hay.