Theo báo cáo, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ: "Chúng tôi đang thực hiện đầy đủ các biện pháp để đánh giá và ứng phó với tác động. Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng (CISA) đã ban hành chỉ thị khẩn cấp, chúng tôi đang làm việc với các đối tác. Đây là một mối đe dọa chủ động vẫn tiếp tục phát triển và chúng tôi kêu gọi các nhà khai thác mạng thực hiện một cách hết sức nghiêm túc".

{keywords}

Hàng loạt cuộc tấn công mạng quy mô lớn được cho là có sự hậu thuẫn từ các chính phủ đã xảy ra trong thời gian gần đây.

(Ảnh minh họa) 

Quan chức này cũng cho biết nhóm làm việc hay "Nhóm điều phối thống nhất" (UCG), do Hội đồng An ninh Quốc gia khởi xướng, với sự hợp tác của FBI và CISA.  

Tuần trước, Microsoft xác nhận tin tặc Trung Quốc có nền tảng chính phủ đã sử dụng các lỗ hổng trong máy chủ e-mail để thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng vào một số tổ chức của Mỹ. Microsoft cũng nhận định những tin tặc này đã cố gắng đánh cắp thông tin từ các trường đại học, công ty luật và cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Mỹ.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân bác bỏ lời cáo buộc này, đồng thời cho rằng các cuộc tấn công trên không gian mạng có đặc điểm là ảo, khó truy xuất nguồn gốc và các tác nhân đa dạng. “Liên kết các cuộc tấn công mạng trực tiếp với chính phủ là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong diễn biến liên quan, bản tin mới nhất từ Đồi Capitol cho biết, các thành viên của 2 đảng trong Quốc hội Mỹ đã đề xuất kiến nghị bổ sung vào luật an ninh mạng nguyên tắc “ứng phó với các cuộc tấn công mạng do chính phủ nước ngoài hỗ trợ”. Luật mới sẽ cho phép người Mỹ khởi kiện các chính phủ nước ngoài có liên quan về những tổn thất từ tấn công mạng.

Cụ thể, Hạ nghị sĩ Dân chủ Colin Allred và các đồng nghiệp của ông từ cả hai đảng đã đề xuất “dự luật tấn công mạng”, cho phép người Mỹ gửi đơn kiện lên tòa án liên bang hoặc tiểu bang chống lại các chính phủ, đặc vụ nước ngoài phát động hoặc tham gia vào các cuộc tấn công mạng gây hậu quả.

Allred cho biết trong một tuyên bố, các cuộc tấn công mạng ngày càng nghiêm trọng của nước ngoài đòi hỏi phải có luật mới. "Sẽ có ngày càng nhiều các cuộc tấn công mạng chống lại công dân Mỹ và Quốc hội nên cung cấp cho công dân những gì họ cần để chống lại các cuộc tấn công nước ngoài", Hạ nghị sĩ Dân chủ Colin Allred nói.

Theo truyền thông Mỹ, đạo luật này sẽ bãi bỏ quyền miễn trừ của người nước ngoài (bao gồm các quan chức, nhân viên hoặc đặc vụ nước ngoài) trong việc yêu cầu bồi thường cho thương tích cá nhân, thiệt hại danh tiếng hoặc thiệt hại tài sản do tấn công mạng gây ra tại tòa án Mỹ.

Mặc dù các nhà lập pháp Mỹ không trực tiếp đề cập đến việc nhắm mục tiêu quốc gia cụ thể, nhưng một số phương tiện truyền thông đã liên kết động thái này với các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Iran. Nhiều báo cáo cũng nhận định, dưới thời chính quyền Trump và Biden, Bộ Tư pháp Mỹ đã đóng vai trò tích cực trong việc ngăn chặn các hoạt động mạng độc hại, đồng thời công bố một loạt hoạt động do tin tặc thực hiện ở Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Vụ tấn công máy chủ Microsoft Exchange xảy ra trong lúc Mỹ và Trung Quốc có nhiều động thái tích cực để hàn gắn mối quan hệ song phương vốn có nhiều vết rạn từ thời ông Trump nắm quyền. Microsoft Exchange là phần mềm rất phổ biến, được triển khai tại nhiều nơi như liên đoàn, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy có hơn 20.000 tổ chức tại Mỹ đã bị ảnh hưởng từ vụ tấn công này và hiện Microsoft liên tục đưa ra các bản vá mới nhằm giải quyết triệt để lỗ hổng bảo mật. 

Tại Việt Nam, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa phát đi thông tin cảnh báo về các lỗ hổng bảo mật này vào ngày 3/3, đồng thời đề nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, xác minh hệ thống thông tin có khả năng bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng trên để có phương án xử lý, khắc phục. 

Trước đó, phía Ấn Độ cũng lên tiếng cáo buộc tin tặc Trung Quốc có sự hậu thuẫn từ chính phủ đã tấn công vào hạ tầng mạng của các tổ chức y tế nước này, nhằm chiếm đoạt “thành tựu y học liên quan đến vaccine Covid-19”.

Phong Vũ

Cách bảo vệ hệ thống trước 4 lỗ hổng bảo mật mới trong máy chủ Microsoft Exchange

Cách bảo vệ hệ thống trước 4 lỗ hổng bảo mật mới trong máy chủ Microsoft Exchange

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam vừa được đề nghị kiểm tra, rà soát, xác minh hệ thống thông tin có khả năng bị ảnh hưởng bởi 4 lỗ hổng bảo mật mới trong Microsoft Exchange Server để có phương án xử lý, khắc phục.