Hội nghị người viết trẻ TPHCM là sự kiện dành riêng cho các tác giả trẻ, được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức định kỳ 5 năm/lần. Với chủ đề Đồng hành khát vọng phương Nam, sự kiện có ý nghĩa khẳng định quá trình hình thành đội ngũ sáng tác văn chương sinh ra và lớn lên sau cột mốc 30/4/1975.

Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết hội nghị quy tụ 100 đại biểu, gồm 50 người dưới 40 tuổi và 50 người từ 40 đến 50 tuổi. Cả đại biểu chính thức và khách mời đều là những tác giả có tác phẩm được công chúng đón nhận, hoặc đoạt giải thưởng ở các cuộc thi văn chương. 

01 sv.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư cùng các cây bút nổi tiếng sẽ góp mặt trong sự kiện với vai trò khách mời. 

Khách mời hội nghị có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, nhà văn Lê Quang Trạng và đặc biệt là nhà văn 95 tuổi - đạo diễn Xuân Phượng cùng nhiều gương mặt tên tuổi. 

Sự góp mặt của họ sẽ tạo động lực, khích lệ, chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà văn trẻ. Đây cũng là kỳ vọng của thế hệ đi trước với lớp kế cận, tạo cầu nối giao thoa của thị trường văn học hiện nay. 

Theo nhà văn Bích Ngân, thời gian qua có nhiều tác phẩm của cây bút trẻ hiện diện, góp phần quan trọng vào văn học và đời sống. 

W-02 sv.jpg
Nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. 

“Các tác phẩm làm trái tim mỗi người mềm mại, xao xuyến, đa cảm hơn trước những được mất của cuộc đời. Ở nhà sách hay hội sách hiện nay, tác phẩm của người viết trẻ cũng chiếm ưu thế hơn hẳn”, bà Ngân nói. Chủ tịch Hội Nhà văn TP nhận định việc sách của người trẻ được đón nhận, đoạt nhiều giải thưởng lớn là tín hiệu đáng mừng. 

Thông qua hội nghị, cơ quan quản lý mong muốn đề cao tinh thần cởi mở, sáng tạo và phát triển. Tiêu chí của Hội là ở thời đại 4.0 không có vách ngăn, tất cả đều phải rộng mở và hội nhập theo xu thế chung của thế giới. 

Nhà văn Lê Thiếu Nhơn - Trưởng Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TPHCM) cho hay sau 7 năm trở lại, hội nghị chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ người viết mới. 

Trong đó, lứa nhà văn 9x chiếm tuyệt đối về số lượng. Họ có lối viết hoàn toàn khác, trực diện, thẳng thắn và nhìn xã hội một cách cởi mở so với thế hệ trước. 

W-09 sv.jpg
Nhà văn Lê Thiếu Nhơn. 

Trong số các đại biểu, hai người trẻ nhất là Cao Việt Quỳnh (sinh năm 2008) đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022 và Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007) đã đoạt Giải A của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2023.

“Các em năng động, sáng tạo, có thể viết văn bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng nước ngoài. Tôi nghĩ họ sẽ trở thành công dân toàn cầu, có sự vươn cao bay xa trong tương lai”, ông nói. 

Hội nghị sẽ được khai mạc sáng 11/10 tại TPHCM. Trong sự kiện, các đại biểu trao đổi câu chuyện nghề nghiệp và kiến nghị giải pháp thúc đẩy công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực văn chương.

Dịp này, Hội Nhà văn TP phối hợp Nhà xuất bản Văn Học ấn hành cuốn sách Dòng chảy của nước, tuyển chọn tác phẩm của 62 tác giả trẻ, trong đó có nhiều tên tuổi nổi bật như: Trương Anh Quốc, Đào Phong Lan, Văn Thành Lê, Nguyệt Phạm, Minh Đan, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh, Trần Minh Hợp…

Nhà văn Trịnh Bích Ngân phát biểu trong buổi họp báo 

Ảnh, clip: HK, tư liệu