Theo phân tích của PGS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân, phiên bản 3 của công nghiệp hoá nằm ở giai đoạn 2022 - 2045 (24 năm tới).

Ông cho rằng, đây là phiên bản công nghiệp hóa thời đại số hóa, cân bằng giữa trong nước và kết nối quốc tế theo tỷ lệ 20/80.

Nền tảng số, doanh nghiệp số, thương mại số, ngân hàng số, công dân số… sẽ được phát triển bao trùm và hướng mạnh ra thị trường thế giới đế khai thác lợi thế theo quy mô. Đây là giai đoạn chuyển hóa các tác động quốc tế vào tác động trong nước một cách hiệu quả để tăng tính độc lập của chính sách thông qua nền tảng và các ứng dụng số. Sức chống chịu của nền kinh tế tăng mạnh do sự trưởng thành của các ngành công nghiệp trong nước nhất là các ngành công nghệ cao.

Sản xuất công nghiệp thời đại số cần đổi mới công nghệ (ảnh: Nhật Sinh)

Phiên bản này có 4 phiên bản cục bộ trong 4 giai đoạn với mỗi giai đoạn 6 năm.

· Giai đoạn 1 (2022 - 2028) là giai đoạn chuẩn bị bao gồm tất cả mọi sự chuẩn bị cho một quá trình công nghiệp hóa số như thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo số với số lượng doanh nghiệp số được thành lập cao nhất, thành lập và vận hành chính phủ số và kết nối số quốc tế, văn hóa số, thị trường số, công dân số và giao dịch số được tổ chức khoa học. 

· Giai đoạn 2 (2029 - 2034) là giai đoạn vượt chướng ngại vật và rào cản thông qua cải thiện triệt để thể chế, quy định, kết cấu hạ tầng, môi trường vận hành, loại bỏ mọi loại rào cản sự vận hành của doanh nghiệp, nền kinh tế và các tác nhân khác. Môi trường vận hành các giao dịch sáng tạo giá trị bảo đảm tính minh bạch cao nhất, hỗ trợ sự phát triển công nghệ và công nghiệp số.

·  Giai đoạn 3 (2035 - 2040) là giai đoạn tăng tốc, huy động mọi nguồn lực và tăng trưởng gia tốc do tích lữy đầy đủ và chuẩn bị cẩn thận các điều kiện của công nghiệp hóa dựa trên nền tảng số. Các doanh nghiệp tăng quy mô, mạng lưới, năng lực cạnh tranh, doanh thu, lợi nhuận và uy tín thị trường. 

· Giai đoạn 4 (2041 - 2045) là giai đoạn hướng tới thu nhập cao với sự hoàn thiện toàn diện cơ sở vật chất và chính sách của nước công nghiệp, thu nhập tăng cao đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần phong phú, con người hoàn thiện toàn diện.  

Sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng phát triển (ảnh: Nhật Sinh)

Giả sử tổng số mối quan tâm với các vấn đề trong nước và quốc tế trong công nghiệp hóa là 100%. Với phiên bản 1 (giai đoạn 1976 - 1991), tỷ lệ này là 20/80. Với phiên bản 2 (giai đoạn 1992 - 2021), tỷ lệ này là 80/20 và phiên bản 3 tỷ lệ này là 50/50.

Đây là mô hình chính sách công nghiệp hóa 3 phiên bản nằm trong tiến trình công nghiệp hóa 70 năm thống nhất, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho biết.

Dự kiến trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ tổng kết các thành tựu và hạn chế về chiến lược công nghiệp hoá đến năm 2020. Trên cơ sở này, hội nghị Trung ương 6 diễn ra vào cuối năm sẽ có Nghị quyết mới về vấn đề này.

Văn Quý (ghi)