Nhân trần là vị thuốc thường dùng trong dân gian để chữa vàng da, bệnh đường mật và bệnh phụ nữ sau khi sinh. Giá nhân trần khô chỉ hơn 100.000 đồng/kg. Trong khi đó, trà nhân trần có thể thêm cam thảo, hoa cúc có giá khoảng 50.000 đồng trở lên cho 1 hộp 20 túi lọc. Đây cũng là loại trà được người dân Việt Nam ưa chuộng, thường xuyên sử dụng. 

Người dân lưu ý khi mua nhân trần khô cần lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy do đây là sản phẩm dễ bị mốc nên một số chủ kinh doanh dùng thuốc chống ẩm hoặc phun thuốc diệt cỏ vào cây tươi để cây nhanh héo và khô để đem bán. 

Trong danh sách 70 cây thuốc nam Bộ Y tế công nhận có thể sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có nhân trần còn gọi là chè cát, chè nội, tuyến hương. Công năng, chủ trị gồm thanh nhiệt, lợi thấp, thoái hoàng; chữa viêm gan, viêm túi mật, vàng da, sốt, tiểu tiện không thông, phụ nữ sau sinh kém ăn. Cách dùng là sắc uống. 

tra nhan tran.jpg
Các loại trà đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe nhưng một số nhóm người cần hạn chế. Ảnh minh họa: Ban Mai

Cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi mô tả chi tiết về loại cây này kèm theo các tác dụng phong phú. Theo đó, nhân trần vị đắng, tính bình, hơi hàn vào kinh bàng quang; có tác dụng thanh nhiên, lợi thấp, dùng chữa thân thể nóng, da vàng, tiểu tiện khó. 

Nhân trần gồm 3 loại chính: nhân trần Việt Nam, nhân trần bồ bồ và nhân trần Trung Quốc có một số đặc điểm thân lá, hóa chất khác nhau. 

Hai loại đầu mọc hoang nhiều ở vùng trung du miền Bắc tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Cây được thu hái vào mùa hè, đem về phơi hay sấy khô. Nhân trần chứa tinh dầu, đặc biệt ở hoa. 

Theo nhà nghiên cứu Lê Tùng Châu, bồ bồ làm tăng tiết mật rõ rệt, có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn trên nhiều loại vi khuẩn mạnh bao gồm chủng trực khuẩn lỵ và chủng cầu khuẩn. Bồ bồ còn làm giảm tiết dịch vị, độ axit tự do dẫn tới giúp giảm loét dạ dày. 

Trong khi đó, nhân trần Việt Nam cũng có tác dụng tăng tiết mật, thải độc, chống viêm, kháng khuẩn nhưng không bằng bồ bồ. Ngoài ra, loại nhân trần này không có tác dụng giảm loét dạ dày.

Tuy nhiên, do nhân trần có tính hàn, lợi tiểu nên người dân không uống quá nhiều dễ dẫn tới mất nước, mệt mỏi. Người dễ lạnh bụng, phụ nữ có thai cũng nên hạn chế uống.