Chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cú huých tái bùng phát của dịch Covid-19, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.

Theo dự báo của các chuyên gia, chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2021 và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới.

{keywords}
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đang mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có thể thực hiện được.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã khảo sát 152.000 doanh nghiệp, thì có trên 30% doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới đa số doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực và ngành kinh tế, khiến các doanh nghiệp không chỉ sụt giảm về lợi nhuận và doanh thu, mà còn bị thu hẹp phạm vi và quy mô hoạt động. Có 53,6% doanh nghiệp cho biết, năng lực sản xuất suy giảm do các hạn chế về hoạt động khi phải làm việc tại nhà theo yêu cầu giãn cách xã hội; 40,9% doanh nghiệp bày tỏ khó dự đoán khối lượng dự trữ hàng hóa thích hợp; 37,5% doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào do khó khăn về vận chuyển hay sự đứt gãy chuỗi cung ứng; 27,1% doanh nghiệp bị chậm trễ trong việc bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật do các biện pháp hạn chế di chuyển...

Trước những diễn biến vẫn còn phức tạp của dịch bệnh hiện nay, chắc chắn việc sống chung với COVID-19 sẽ còn kéo dài. Không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và doanh nghiệp, đại dịch còn tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số,... Việc tiếp tục sống chung, thích ứng linh hoạt và tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu để tập trung phục sản xuất kinh doanh là những yêu cầu cấp bách của Chính phủ cũng như của doanh nghiệp.

Khảo sát của VCCI chỉ ra dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến doanh nghiệp trên nhiều phương diện, khu vực doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng về tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). Với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dịch bệnh cũng gây nên nhiều xáo trộn về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), lao động (34%) và chuỗi cung ứng (41%).

Không những thế, dịch bệnh COVID-19 còn tác động dai dẳng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trên thực tế 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc để cầm cự hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh này, theo TS. Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), để trụ vững trong cuộc cách mạng 4.0 diễn ra trên toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Ông Lương Minh Huân chia sẻ, khảo sát của VCCI cho thấy, thời gian qua, nhận thức của doanh nghiệp về công nghệ số thời gian qua rất tốt, hơn 50% doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số.

Bên cạnh đó, kỳ vọng của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (hơn 71% doanh nghiệp), giảm giấy tờ (hơn 61%), quản trị kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm (trên 50% doanh nghiệp)...

Tuy nhiên, TS. Lương Minh Huân cũng thẳng thắn cho biết, các doanh nghiệp cũng cho rằng, chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/doanh nghiệp và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.

Lê Na