Chia sẻ với VietNamNet bên lề Quốc hội, TS Phạm Trọng Nghĩa (ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, làn sóng dịch bệnh ngày càng đáng lo ngại khi xuất hiện các biến chủng virus mới.

Cần xây dựng kế hoạch phục hồi hậu Covid-19

Ở nhiều nước, số ca mắc mới sau thời gian giảm đã tăng trở lại; có nước sau khi nới lỏng, mở cửa đã phải phong tỏa, đóng cửa trở lại.

Đầu năm 2021, viễn cảnh phục hồi kinh tế thế giới được nhiều định chế quốc tế đánh giá lạc quan. Tuy nhiên, sự biến đổi nhanh chóng, khó lường của virus khiến viễn cảnh này khó có thể thực hiện được; kinh tế thế giới lại đứng trước nhiều rủi ro, bất trắc. Điều này chắc chắn sẽ tiếp tục có ảnh hưởng sâu, rộng về nhiều mặt đến nước ta.

“Cùng với diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường của dịch Covid-19 ở trong nước, song song với việc tiếp tục áp dụng các biện pháp hiện nay, cũng như sử dụng các công cụ pháp lý mạnh hơn khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng, chống Covid-19 cho Việt Nam”, ông Nghĩa đề nghị.

Trong đó, Chính phủ có các kịch bản về diễn biến dịch với các cấp độ khác nhau; các tác động có thể xảy ra; các giải pháp và điều chỉnh chính sách về ngắn hạn và dài hạn tương ứng.

{keywords}
TP.HCM tăng cường máy thở, oxy để điều trị cho người dân bị nhiễm Covid-19

Bên cạnh đó, TS Phạm Trọng Nghĩa cũng lưu ý, cần tính đến việc xây dựng kế hoạch phục hồi hậu Covid. Mỗi kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm khác nhau để khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp.

“Người dân cần 'máy thở' để chiến thắng Covid-19, doanh nghiệp cũng cần có 'oxy' để vượt qua khó khăn trong đại dịch và cần được hỗ trợ để phục hồi trong tương lai”, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Theo ông, Covid-19 đã và đang tạo ra khoảng cách xã hội ngày càng lớn thông qua việc làm giảm thu nhập và phân phối lại thu nhập. Thực tiễn này làm cho nhóm yếu thế ngày càng yếu thế hơn.

Ở nước ta, nhóm yếu thế là những người nghèo, người lao động tự do, xe ôm, bán hàng rong, hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ....

Đây là những người mưu sinh từ thu nhập bằng lao động hàng ngày, nay thu nhập của họ lại bị giảm, bị mất do Covid-19. Họ cần phải được đặc biệt quan tâm trong đại dịch cũng như trong các quyết sách hậu đại dịch.

Các biện pháp khẩn cấp

TS Phạm Trọng Nghĩa phân tích, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, bên cạnh các quốc gia thành công, nhiều nước đã thất bại vì chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của đại dịch dẫn đến còn chủ quan, đưa ra các chính sách còn chậm trễ; chưa tập trung vào hai nhiệm vụ là chống dịch kết hợp với khôi phục, ổn định kinh tế.

Nhiều nước chưa xác định được trong giai đoạn nào và ở mức độ nào sẽ ưu tiên chống dịch hơn hay ổn định kinh tế hơn; chưa kịp thời đưa ra các biện pháp hỗ trợ đủ lớn và đủ dài hơi cho người dân, cho doanh nghiệp dẫn đến đời sống người dân khó khăn nghiêm trọng, doanh nghiệp kiệt quệ trong đại dịch mà không đủ sức để phục hồi.

Từ thực tế đó, Liên hiệp quốc đã ban hành khung hướng dẫn các biện pháp khẩn cấp ứng phó Covid-19. Theo đó, các biện pháp ứng phó gồm 5 trụ cột chính.

Một là y tế, tập trung vào bảo vệ cán bộ y tế, các cơ sở y tế và hệ thống y tế.

Hai là bảo vệ người dân, tập trung bảo đảm chăm sóc y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ cơ bản.

Ba là ứng phó và phục hồi kinh tế, tập trung vào bảo vệ việc làm, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nhân trong khu công nghiệp và người lao động trong khu vực phi chính thức.

Bốn là ứng phó kinh tế vĩ mô thông qua các gói kích thích tài chính để làm cho các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp hơn với những người dễ bị tổn thương nhất và.

Năm là giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội và phục hồi xã hội.

Từ thực tế của các nước đã và đang xảy ra, dựa vào khung hướng dẫn của Liên hiệp quốc, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đây có thể là mô hình tham khảo để vận dụng phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. 

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt khoảng 851.759 m3 khí/ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có khả năng nâng thêm 50% - 100% công suất.

Có 993 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị cho 66.200 ca nhiễm cần đến thở oxy. Như vậy, năng lực sản xuất và sử dụng oxy là đáp ứng đủ cho cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp khi có 100.000 người mắc, 200.000 người mắc trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế.

Phấn đấu đến hết năm 2021 có đủ vắc xin để tiêm chủng đủ liều cho ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên; đến hết quý 1 năm 2022 tiêm chủng đủ số liều cho 70% dân số, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Phấn đấu đầu năm 2022 có ít nhất một nhà máy sản xuất vắc xin, chậm nhất đến hết quý 2 năm 2022 có vắc xin sản xuất trong nước. Bảo đảm đủ vắc xin cho nhu cầu phòng chống dịch cho các năm tiếp theo và tiến tới xuất khẩu.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài và ảnh: Thu Thủy