Phan Ngọc Lâm Nhi hiện học năm thứ 5 ngành Y đa khoa, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), phối hợp với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường ĐH Y Dược TP.HCM huy động sinh viên năm cuối tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo công suất 50.000 mẫu/ngày. Lâm Nhi lúc này vừa học online vừa là 1 sinh viên tham gia chống dịch.
Lâm Nhi trong bộ đồ bảo hộ. Ảnh: NVCC |
Nhi kể, ngày 1/6, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ lấy mẫu ở khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức). Chỉ 1 bài đăng tuyển tình nguyện viện trên trang truyền thông, 5 phút sau đã có hàng trăm bình luận đăng ký tham gia. Ai cũng muốn góp sức mình, vì vậy được tham gia chống dịch vừa là trách nhiệm nhưng cũng vinh dự.
Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở TP.HCM năm ngoái, Nhi đã tìm hiểu kỹ và được HCDC tập huấn các kỹ năng khi tham gia chống dịch. Nữ sinh năm cuối cũng chuẩn bị cho mình về sức khỏe, khi thành phố cần là có thể tham gia ngay.
“Em luôn tự ý thức bản thân mình làm trong ngành y tế nên càng phải giữ gìn sức khoẻ. Mình phải khoẻ thì mới chăm sóc cho mọi người được”- Nhi nói.
Các sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia chống dịch Covid-10. Ảnh: NVCC |
Vừa tình nguyện chống dịch, Lâm Nhi vẫn học online. Nữ sinh kể, buổi sáng trước học online các môn lâm sàng thì sẽ kiểm tra xem có nơi nào cần hỗ trợ không. Đều đặn vào các khung thông báo ca mới, Nhi đều nắm bắt thông tin để dễ dàng cập nhật với bạn bè và người thân.
Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội và cần nhiều sinh viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Nhận được thông tin tối ngày 1/6/2021 thực hiện lấy 25.000 tại 17 điểm của Khu công nghệ cao TP.Thủ Đức, Nhi tham gia ngay.
Chiều hôm đó, Nhi được phân công hỗ trợ lấy mẫu ở công ty Jabil. Nơi đây có 2 xưởng, mỗi xưởng lấy 3.000 mẫu cho công nhân. Trong bộ đồ bảo hộ, ngồi nhập liệu gần suốt đêm có lúc Nhi hoa mắt. Sau đêm đó sáng hôm sau Nhi xuống 1kg.
Những hình ảnh của Phan Ngọc Lâm Nhi (Ảnh: NVCC) |
Lâm Nhi bảo mọi người chống dịch lúc nào cũng căng như dây đàn. Dù vậy, trong những lúc khó khăn nhất thì hình ảnh đẹp nhất chính là tình cảm của những người trong đội chống dịch, không vì mệt mỏi mà bỏ quên nhau.
“Chị Huyền ở Trung tâm y tế Quận 9 làm chung với em. Dù rất mệt nhưng luôn khuyến khích tinh thần tụi em rằng cố lên, sắp xong rồi, hay cố lên chị tới rồi đây. Đặc biệt nhất là tinh thần của các bạn sinh viên cùng trường. Có những người nhà ở tận Quận 12 nhưng cũng đăng ký chạy lên tận Quận 9 (cũ)".
Lâm Nhi nói, khi bộ đồ bảo hộ sẽ không ăn uống quá nhiều để tránh nhu cầu vệ sinh. Nhưng sau đó thì bắt đầu thấy mệt. Khẩu trang, bao tay, mắt kính làm Nhi cảm thấy rất ngột ngạt. Hai vành tai đau tới mức muốn rơi ra khỏi khuôn mặt, thêm vào đó những ngày thức khuya lấy mẫu bụng lại đói nữa. Là con gái thành phố, nhưng nữ sinh không cho phép được õng ẹo.
Theo Lâm Nhi, trong những ngày mệt nhọc, để đem lại niềm vui cho nhau, các tình nguyện viên thường chọc ghẹo nhau như “hôm nay săn sale được không mẹ”...
"Sale" ở đây là vị trí trong đội hỗ trợ, mọi người ví von tếu táo để bớt đi sự căng thẳng.
Phan Ngọc Lâm Nhi mong ước dịch bệnh nhanh chóng được dập tắt để mọi thứ trở lại bình thường. Nữ sinh cho rằng được góp sức cho đất nước là một niềm vinh dự to lớn.
Sau đây là những dòng Nhi ghi lại trong 1 ngày chống dịch:
Tối nay ngày 1/6/2021 thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, xét nghiệm 25.000 mẫu tại 17 điểm của Khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức.
18h30
Mình được phân công ở công ty Jabil. Ở đây có 2 xưởng, hôm nay mỗi xưởng lấy 3.000 mẫu cho công nhân. Tụi mình được phân vào khâu nhập liệu. Tất cả mọi người đều phải mặc đồ bảo hộ vì tuy nhập liệu nhưng vẫn ở trong lòng của khu xét nghiệm. Hàng nghìn con người đứng san sát bao vây nhau làm mình có lúc tưởng chừng như đã ngộp thở trong bộ đồ bảo hộ. 2 lớp khẩu trang, 2 lớp bao tay. 1 tiếng, 2 tiếng rồi 3 tiếng có gì đâu để cùng nhau hoàn thành xong 3.000 mẫu này.
Nhưng sức khoẻ của mình thì khác, 2 vành tai đau tới mức muốn rớt ra khỏi mặt. Mình từ từ đuối hơn, bao tử cũng bắt đầu réo gọi. Cũng may là chỗ ngồi sát tường để lâu lâu có thể tựa vào, đỡ mỏi.
Ngước mắt nhìn qua những người đứng lấy mẫu mà không có một phút giây ngừng nghỉ, họ càng cực khổ và mệt mỏi biết chừng nào. Mình ngồi đây khi thấy có quá nhiều người xung quanh, mình đã sợ. Cách vài chục phút tụi mình lại lấy chai cồn xịt túi bụi lên người, kên máy. Mình nghĩ, các bác sĩ, nhân viên y tế đã phải can đảm và yêu thương con người nhiều như thế nào để có thể tiếp tục cuộc chiến này.
0h25
Mình ngồi tựa lưng vào tường, còn khoảng 500 mẫu nữa. Tốc độ bắt đầu chậm lại, những cơn hoa mắt tấn công. Không được mở một lớp nào ra vì bất cứ hành động nào lúc này có thể sẽ dẫn đến lây nhiễm cho mình và mọi người. Nhưng nếu mình dừng lại lúc này thì ai tiếp tục đây. Nhiệm vụ đến đây là để mọi người được yên giấc ngủ. Vậy rồi trái tim mình gọi mình tỉnh dậy và tiếp tục tiến lên.
“Chúng ta, con một cha, nhà một nóc; Thịt với xương, tim óc dính liền” (Bài Ta đi tới – Tố Hữu, cô Thiên Hương dạy mình năm lớp 9, mình luôn mang theo hai câu thơ này làm động lực cho những lần làm tình nguyện)
1h
Tất cả đã xong xuôi, tụi mình ”tắm” laptop bằng cồn, xịt khử khuẩn hết cả mọi thứ rồi ra về. Một ngày mới lại bắt đầu trên quê hương đất nước, tôi đi giữa đại lộ mà lòng vui khôn xiết. Ngày mai chắc chắn sẽ là ngày tươi sáng. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.
3h20
Bây giờ là 3h20, mọi người chắc có lẽ đã vào giấc ngủ say, còn mình vừa về tới nhà, tắm rửa xong và đang ngồi sấy tóc. Mình mỉm cười và thầm cảm ơn vì tất cả. Ngày mai không biết sẽ có thêm bao nhiêu ca nhiễm, chúng ta vẫn sẽ cố gắng cùng nhau nhé. Tổ quốc, niềm tin và hi vọng, mình sẽ tiếp tục làm điều mình muốn trong những ngày trái tim không thể ngồi yên.
Lê Huyền
Gặp Huệ Nguyễn 'chưa có người yêu' trong đoàn chống dịch ở Bắc Giang
Khi đi làm nhiệm vụ chống dịch ở Bắc Giang, một nữ sinh Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam đã khiến nhiều người thích thú trong bộ đồ bảo hộ trắng có thêm dòng chữ "FB: Huệ Nguyễn chưa có người yêu".
Lớn nhất từ trước đến nay, hơn 24.000 thầy trò trường Y xin đi chống dịch
Ngoài 2.743 giảng viên, sinh viên đang hỗ trợ trực tiếp tại các điểm nóng dịch Covid-19 để truy vết, xét nghiệm, điều trị,... hiện còn 24.413 thầy trò ngành y sẵn sàng tình nguyện đến tâm dịch.