Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã đề nghị Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thiết lập một "cơ chế quản lý khủng hoảng" để tránh xung đột xung quanh vấn đề tranh chấp biển.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba. Ảnh: dawanews |
Quan hệ hai nước Trung, Nhật thường gặp nhiều trắc trở do các tuyên bố chủ quyền những khu dầu khí ở biển Hoa Đông và tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (theo tiếng Trung) hay còn gọi là Senkaku (theo tiếng Nhật).
Ông Gemba trong chuyến công du tới Bắc Kinh cũng đề xuất việc nối lại các cuộc hội đàm hướng tới một thỏa thuận về dự án chung cho khai thác khí đốt ở biển Hoa Đông, hãng Kyodo dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao Nhật cho biết.
Cuộc hội đàm của Ngoại trưởng Nhật với Thủ tướng Ôn nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc cuối năm nay của Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Trong cuộc gặp với ông Gemba, ông Ôn cho biết, Nhật và Trung Quốc nên cùng nhau làm việc để thúc đẩy phát triển ở Đông Á.
"Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vừa kết thúc đã cho thấy một xu thế mạnh mẽ của sự đoàn kết, phát triển và hợp tác trong khu vực", ông Ôn đề cập tới hội nghị diễn ra cuối tuần qua ở Bali, Indonesia.
Ông Gamba sau đó có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, người nói với ông rằng, Bắc Kinh "sẽ xem xét một cách nghiêm túc" để nới lỏng những hạn chế về nhập khẩu lương thực từ Nhật sau thảm họa động đất sóng thần gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3.
Cơ chế quản lý khủng hoảng được các phương tiện truyền thông Nhật Bản mô tả như một lịch trình đối thoại thường xuyên liên quan tới các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng hai bên, các cơ quan ngư nghiệp, năng lượng và lực lượng phòng vệ bờ biển.
Nhật Bản từ lâu bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc ngày một quả quyết hơn trong tuyên bố chủ quyền hàng hải, việc mở rộng tầm với của lực lượng hải quân trong Thái Bình Dương cũng như cái mà Nhật gọi là "không minh bạch" trong ngân sách quân sự của Bắc Kinh.
Một cuộc khủng hoảng đã xảy ra giữa hai nước vào tháng 9 năm ngoái khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp. Nhật cho rằng, tàu cá đã cố tình đâm vào một tàu tuần tra của mình. Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố phản đối mạnh mẽ, ngừng các cuộc trao đổi cũng như sự kiện văn hóa trong khi không ngừng gia tăng áp lực ngoại giao đòi Nhật thả tự do cho thuyền trưởng. Chủ nghĩa dân tộc lên cao gây ra các cuộc biểu tình ở cả hai nước thời điểm đó.
Thái An (theo economictimes)