Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn ngày 3/11, cơ sở y tế này đang điều trị một nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau vài ngày ăn tiết canh. 

Bệnh nhân là ông M.V.C, 58 tuổi, ở huyện Chi Lăng. Ông C. có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, xơ gan, lạm dụng rượu. Hôm 29/10, ông ăn tiết canh lợn. Sau đó, ông nôn nhiều, đại tiện phân lỏng, ban đỏ tím hai tay, hai chân, mụn nước rải rác toàn thân, được đưa đến bệnh viện tỉnh hôm 31/10.

Bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiêu hoá, viêm màng não, suy thận cấp, suy tim, xơ gan. Bệnh nhân được xử trí thở máy và dùng thuốc vận mạch, lọc máu hằng ngày. Hiện tại bệnh nhân hôn mê, tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng chưa được cải thiện, nguy cơ tử vong cao.

Các bác sĩ của bệnh viện cho biết gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp nguy kịch do nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh… 

W-tiet-canh-1.png
Tiết canh là món ăn được nhiều người ưa chuộng nhưng tiềm ẩn nguy hiểm.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, thầy thuốc khuyến cáo người dân:

- Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy phải có phương tiện bảo hộ.

- Không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch, dụng cụ sau khi chế biến thịt lợn sống.

- Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Võ Thu và nhóm PV, BTV